BA MẸ NÊN LÀM GÌ KHI CON LÀM VỠ ĐỒ ĐẠC?

Nhìn thấy con làm đổ nước ra sàn hay làm vỡ một quả trứng. Việc đầu tiên nhiều bố mẹ sẽ làm đều  là la  hét, quát mắng, thậm chí là xử  phạt con. Nhưng việc đánh đập hay la mắng không giúp trẻ có hành vi đúng đắn hơn, làm tốt hơn, mà sẽ dạy  trẻ biết cách né tránh, đổ lỗi, biện minh mỗi khi trẻ mắc sai lầm. Đặc biệt, trẻ con thường nhớ sự trừng phạt hơn là lý do mà con bị phạt. Con sẽ cư xử vì sợ hãi thay vì muốn hành động đúng. Điều này vô tình lại bóp chết khả năng của trẻ, khiến con  mất đi cơ hội rèn luyện, những tiềm năng của bản thân con không có cách nào để bộc lộ ra. Với bài viết sau đây mình hi vọng các ba mẹ hãy chậm lại một chút, thay đổi quan niệm của bản thân về việc dạy con và đưa ra cách ứng xử đúng đắn và mang tính giáo dục nhất cho con trẻ.

Như các bạn đã biết, trẻ em học hỏi qua việc khám phá thế giới xung quanh. Đặc biệt giai đoạn 0-6 tuổi là giai đoạn con cực kỳ tò mò với thế giới xung quanh, con luôn khát khao tự làm mọi việc như người lớn. Con luôn mong muốn biết về thế giới xung quanh con và tự bản thân con được trải nghiệm thế giới đó. Những mong muốn đó xuất phát từ ý chí bên trong  của đứa trẻ. Tuy nhiên, với quá nhiều quy tắc trong môi trường sống, cộng thêm vóc dáng cơ thể nhỏ bé và những động tác vụng về, con khó lòng có thể thực hiện chúng một cách trọn vẹn. Điều đó dẫn tới những đổ vỡ không mong muốn mà ngay cả bản thân con cũng không hề mong như vậy. Vậy nên, trong trường hợp này, các ba mẹ phải hết sức bình tĩnh và xem đó là chuyện bình thường. Chúng ta hãy khuyến khích, động viên con thay vì quát mắng con, bởi hình phạt lớn nhất lúc này chính là cảm giác ăn năn trong lòng trẻ.

Ví như khi con mở tủ lạnh, tò mò và làm vỡ một quả trứng xuống sàn, thay vì la mắng, chúng ta hãy thật nhẹ nhàng đến gần và nói, “ Con muốn ăn trứng phải không?- Nhưng đây là trứng chưa được nấu chín, rất dễ bị vỡ nếu như con làm rơi”. Có phải chỉ cần bình tĩnh một chút như vậy, bạn sẽ không phải hét toáng lên, con bạn sẽ không phải khóc vì sợ hãi, không khí căng thẳng sẽ không xuất hiện. Không những thế, bạn còn giới thiệu cho con khái niệm mới về “quả trứng rơi”. Con bạn cũng từ đó học được phép ứng xử nhã nhặn khi gặp những tình huống tương tự về sau. Giá của một quả trứng liệu có đắt đỏ hơn một  bài học về kỹ năng và cách ứng xử của con?
Khi trẻ con vô tình làm vỡ đồ đạc là một cái bát sứ, hãy bình tĩnh giải thích rằng trẻ nên cẩn thận và nhẹ nhàng hơn. Vì khi bát đã bị vỡ là chúng ta không sử dụng được nó nữa.

Tại sao cứ phải luôn là đồ nhựa để trẻ không làm vỡ? Việc sắm đồ dùng cho trẻ bằng inox, gốm, chính là để kiểm soát những cử chỉ, những chuyển động còn vụng về của trẻ. Điều đó giúp trẻ học cách di chuyển các đồ vật một cách khéo léo hơn Việc con trẻ bất cẩn làm rơi vỡ đồ đạc, vật dụng trong nhà là chuyện thường ngày, mà  thông qua đó, con khám phá thế giới, phát hiện những điều mới, chẳng hạn như thứ gì có thể động chạm, thứ gì thì không. Từ đó, con rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình.

Hãy cứ để cho con tự trải nghiệm, tự vấp ngã và học hỏi từ chính những vấp ngã đó. Đó là một cách học thông minh và hiệu quả hơn nhiều so với việc nhồi nhét vào đầu con những quy tắc, cấm đoán. Suy cho cùng, những sai lầm mà trẻ con gây ra không bao giờ là vấn đề lớn.  Nếu như cha mẹ xử lý thỏa đáng thì sai lầm mới có thể chuyển hóa thành điều kiện phát triển có ích cho con cái. Nắm được điểm mấu chốt này thì bất cứ bố mẹ nào cũng có thể giúp  con lớn lên thành một người mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn, và theo đuổi những ý tưởng mới của riêng mình.

Theo giáo viên Montessori của Mota.

Ảnh: Dreamstime.com

Xem thêm: Các bài viết đồng hành cùng con theo Montessori

Xem thêm: https://mota.com.vn/

No products in the cart.