Cha mẹ những người nuôi con theo kiểu bao bọc quá mức thường cho rằng:
– Vai trò của cha mẹ là giúp con giảm thiểu tổn thương và bất tiện trong cuộc sống của con.
– Một cuộc sống suôn sẻ sẽ giúp con lớn lên một cách vui vẻ, hạnh phúc.
– Không thể đứng nhìn con trải qua những khó khăn, vất vả.
– Cha mẹ có quyền xen vào đời sống xã hội của con, liên tục cho con lời khuyên và lắng nghe những vấn đề của con. Luôn đưa ra, yêu cầu, khuyến khích thậm chí thúc ép con giải quyết theo cách bố mẹ đưa ra vì cho rằng đó là cách tốt nhất.
– Con cái không có khả năng tự xử lý hay vượt qua những khó khăn của cuộc sống.
– Sắp xếp mọi thứ cho con từ điều nhỏ nhất dù con đã đủ lớn, làm việc nhà cho con, giặt và gấp quần áo, thậm chí chọn quần áo cho con mặc gì cho dù con hoàn toàn có khả năng tự làm những việc đó.
– Không thích, không muốn và luôn phòng ngừa để con không chịu bất kỳ rủi ro nào luôn sợ con té, con bị đau, con bị bệnh, con bị bắt nạt…VÀ Cha mẹ thành tích – nuôi dạy con kiểu thành tích là những người:
– Kiểm soát hoàn toàn và xử lý các vấn đề xã hội của con
– Làm bài tập giúp con, chỉ dẫn con cặn kẽ và mong chờ con đạt điểm số cao.
– Khen ngợi và đề cao kết quả của con hơn là quá trình làm việc, học tập của con.
– Luôn giữ con trong tầm mắt, luôn lo âu con bị thế này, thế kia.
– Không chấp nhận thất bại của con. Con mình là phải giỏi – phải làm được.
Tình yêu và cách thể hiện như vậy có thật sự tốt cho con?
Mặc dù xuất phát từ tình yêu thương và luôn mong muốn những gì tốt nhất cho con. Nhưng ba mẹ kiểu bao bọc quá mức lại xuất hiện rất nhiều vấn đề. Ba mẹ cho rằng vì con còn nhỏ nên cần được ba mẹ bao bọc, nhưng phần lớn sự bao bọc đó lại càng ngày đi rất xa cho đến khi con có thể tự làm mà vẫn không tự làm. Con không khác gì món đồ trân quý mà cha mẹ giữ gìn, con không cần suy nghĩ – đã có cha mẹ lo, con không cần làm – đã có cha mẹ làm…Hành vi của cha mẹ tạo ra một thế hệ trẻ em bất lực, không thể tự đưa ra quyết định dù đơn giản nhất, không có sự sáng tạo, ù lì, không biết hay không muốn làm gì cả, luôn sợ hãi mình làm sai, bị đau, thất bại, không dám thử thách, không biết cách giải quyết vấn đề. Nếu không có sự tự tin để tự tạo động lực, trẻ em của cha mẹ bao bọc quá mức luôn cảm thấy thật khó để độc lập ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc sống của mình.
Vì sao cha mẹ bao bọc quá mức và thành tích lại không đem lại kết quả như mong muốn?
– Cha mẹ kiểu này muốn tìm những cách dễ dàng để tránh con bị căng thẳng như làm hộ bài tập cho con. Họ không hiểu được rằng thất vọng sẽ giúp con có động lực cải thiện và giải quyết vấn đề và trẻ cần phải làm việc và chịu trách nhiệm với việc mình làm.
– Con được hướng dẫn quá nhiều chỉ làm mất đi sự trải nghiệm quý giá về giải quyết vấn đề và đối diện với thất bại.
– Một số cha mẹ lấy mất cơ hội để con tự lập khi lúc nào kè kè không rời con nửa bước. Điều này làm giảm sự tự tin của con. Đôi khi còn dẫn đến sự hung hăng hay trầm cảm, khiến con càng khép kín và xa lánh cha mẹ.
– Những ba mẹ bao bọc và thành tích quá mức này không cho phép con cái của họ có bất kỳ sự tổn thương nào. Nhưng cuộc sống mà không có chút khó khăn nào thì làm gì còn thú vị, lấy gì để trải nghiệm và trưởng thành. Làm gì có cuộc đời nào không có rủi ro, không cần học hỏi? Chính sự trơn tru mà ba mẹ tạo ra này sẽ cản trở sự phát triển và trải nghiệm về tinh thần và thể chất của con.
– Thay vì thừa nhận nỗ lực hoàn thành của con, ba mẹ kiểu bao bọc và thành tích lại từ chối cho con cơ hộ được sai, từ chối cơ hội cho con được thử và rút kinh nghiệm. Thử và cho phép sai là một trong những bước đầu tiên mà đứa trẻ nào cũng có quyền được trải nghiệm- đó là cách con học hỏi, tiến bộ, sáng tạo cũng như rèn luyện khả năng đương đầu với thử thách, không ngại khó khăn.
Hậu quả của việc cha mẹ bảo bọc con quá mức: Khi cha mẹ ép buộc những kỳ vọng vượt xa khả năng của con cái và khi con không đạt được như những mong đợi của cha mẹ thì con trở nên tự trách bản thân, tự ti, mất niềm tin vào bản thân, sợ làm sai luôn cầu toàn nhưng lại lo lắng những lỗi hết sức nhỏ nhặt. Theo thời gian, hành vi lặp đi lặp lại này có thể dần phát triển thành sự lo lắng và trầm cảm.
– Những đứa trẻ mà cha mẹ không quan tâm đến cảm xúc và lựa chọn của trẻ, không cho trẻ cơ hội cải thiện hành động bằng phép thử và lỗi sai thường có suy nghĩ mình rất tệ, thậm chí có lòng tự trọng thấp.
– Bằng cách làm tất cả mọi thứ cho con thay vì để chúng tự mình tìm ra cách làm, cha mẹ đang tạo ra một con người phụ thuộc. Con của bạn sẽ coi ba mẹ là giải pháp duy nhất trong mọi tình huống ngay cả khi chúng lớn.
– Cha mẹ thể hiện quyền lực của mình và can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con cái có thể khiến con cái cảm thấy mình không tự kiểm soát được chính mình. Và hệ luỵ của việc đó là con cũng muốn được thể hiện quyền lực ở một nơi nào khắc, bằng cách nói chuyện thô lỗ, cộc cằn với bạn bè đồng nghiệp.
– Một vấn nạn dễ nhìn thấy nhất hiện nay đó là cha mẹ quá lo lắng cho sự an toàn của con mà hạn chế không có con vận động thể chất hay chơi thể thao. Họ thà cho con xem tv, điện thoại yên trong nhà còn hơn để con vận động để té ngã…
Làm thế nào để kiềm chế thói quen bao bọc con?
Có nhiều cách để khắc phục xu hướng của việc làm cha mẹ bao bọc con. Hãy nuôi con bằng tình yêu thương- dạy con bằng lý trí và áp dụng 1 số kinh nghiệm thực tế sau:
Đừng trừng phạt sai lầm của con.
Tin tưởng con có nhiệm vụ phù hợp với lứa tuổi và giai đoạn phát triển.
Trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ.
Khuyến khích con phạm sai lầm, nhưng sẵn sàng hướng dẫn con để dạy con những bài học cuộc sống, cho con cơ hội học trách nhiệm và chịu trách nhiệm
Quan sát cách con đối phó với sự thất vọng trước khi can thiệp
Sẽ tốt cho con khi trải nghiệm những vết thương nhẹ.
Hãy nhớ rằng: vấn đề là giữ con được bảo vệ khi cần thiết chứ không phải bảo vệ, bao bọc quá mức như trong lồng kính.
Hãy lắng nghe con chăm chú, đặc biệt là những nội dung liên quan đến những mâu thuẫn xã hội mà con gặp phải. Hỗ trợ con khi nói chuyện và để con thể hiện thật nhất cảm xúc của mình. Sau đó hướng dẫn con cách làm dịu bản thân và tìm cách giải quyết vấn đề.
Hãy trấn an con rằng bạn quan tâm đến cảm xúc và sự an toàn của con trước khi giúp con giải quyết vấn đề.
Thu hút con trong cuộc trò chuyện giúp kích thích tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề của con.
Hãy sống thật với cảm xúc của cha mẹ – cha mẹ cũng có lúc khó khăn, mệt mỏi, đau ốm và hãy để con thấy điều đó, thấy là cha mẹ mình cũng như mình, cũng đang gặp khó khăn. Con sẽ tìm hiểu về sự kiên trì, lòng thông cảm, sự giúp đỡ – và những đức tính đó có thể thiết lập cho sự thành công trong tương lai.
Dạy con tự lập trong mọi tình huống.
– Nhấn mạnh sự đấu tranh của con là cơ hội để con học hỏi và hoàn thiện mình.
– Đánh giá cao quá trình nhiều hơn kết quả.
– Hãy để con tự giải quyết vấn đề, vì nó giúp con học cách trở nên mạnh mẽ hơn về tinh thần.
– Hãy để con khám phá giới hạn của mình. Ghi nhận những nỗ lực của con, không chỉ là thành công mà là sự hoàn thành, đặc biệt là khi con kiên trì vượt qua các vấn đề khó khăn.
– Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ và không yêu cầu cao hơn nếu con chưa hoàn thành nó. Để con tự khám phá niềm đam mê của chính mình.
– Dạy con nói chuyện với bạn hoặc giáo viên của con như thế nào nếu con có vấn đề với các mối quan hệ đó.
– Sắp xếp thời gian để con có thời gian tự do của riêng mình.
Hãy nhớ rằng bạn có thể tham gia vào cuộc sống của con bạn nhưng bạn không thể bảo vệ, tư vấn và làm giúp con 24h/ 7 ngày được và cả cuộc đời thì càng không thể được. Nuôi dạy con đúng cách chưa bao giờ là dễ dàng. và không phải ba mẹ nào cũng có cách nuôi dạy con đúng đắn để trẻ lớn lên tự lập và phát triển toàn diện, có cơ hội tiếp xúc với thế giới. Tuy nhiên, nếu chúng ta chịu học hỏi và chịu thay đổi thì chung ta sẽ tránh được những lỗi lầm không đáng có trong hành trình nuôi dạy con cái, chưa bao giờ là quá muộn để bắt đầu.
Theo giáo viên Montessori của Mota.
Xem thêm: https://bit.ly/3eCQgti
Xem thêm: https://mota.com.vn/