Mới hôm qua tôi nhìn thấy chú bé hàng xóm trong lúc chơi đùa bị té, mẹ chú bé đang đứng gần đó nói rằng,
– Ai biểu chạy? Tự ngã tự đứng lên. Đau ráng chịu. Cấm khóc!
Đứa nhỏ, mếu máo, mắt ngấn lệ, lọ mọ đứng dậy, mắt vẫn dõi theo mẹ như chờ một cái vỗ về, một lời an ủi. Còn mẹ thì đang bận với câu chuyện đang dang dở với cô hàng xóm. Tôi giật mình chợt nghĩ, phải chăng ba mẹ Việt đang hiểu sai về việc dạy con tự lập? Phải chăng khái niệm dạy con tự lập đang bị đồng nhất với khái niệm “bỏ mặc” con?
Việc dạy một đứa trẻ tự lập rất dễ. Bởi trẻ vốn dĩ có khuynh hướng tự học hỏi và hoàn thiện bản thân ngay từ khi sinh ra. Nên những gì bạn không làm giúp trẻ, trẻ sẽ vẫn tự mình làm được. Rõ ràng chúng ta vẫn thấy những em bé biết tự chăm sóc bản thân khi lên 3, biết nấu cơm làm việc nhà khi lên 4 lên 5 đó thôi. Nhưng dạy một đứa trẻ tự lập và biết yêu thương thì khó hơn vô vàng.
Khi con bị ngã, bạn lạnh lùng mặc kệ con, bạn nghĩ rằng, chỉ cần bạn không quan tâm thì con sẽ tự đứng dậy, tự lau nước mắt và sẽ trở thành người tự lập? -Đó không gọi là tự lập- Đó gọi là “bỏ mặc” con.
Trong khi con khóc vì đau, vì hoảng sợ và cần một cái ôm vỗ về từ mẹ thì mẹ lạnh lùng không quan tâm hoặc nói những câu kiểu “có xíu mà cũng khóc” “Con trai không được khóc.”… Đó không phải là dạy con độc lập- Đó là dạy con “vô cảm”.
Dần dần con sẽ mất kết nối cảm xúc với cha mẹ. Con sẽ không tìm đến ba mẹ khi con gặp thất bại hay khó khăn, hay tệ hơn là con “bất cần” cha mẹ. Con có thể không khóc hét khi bị ngã, nhưng ẩn sâu là sự tủi thân giấu kín trong lòng, thiếu thốn tình cảm mà ba mẹ nào có thấy?
Vậy làm sao để dạy con tự lập và biết yêu thương?
Chúng ta phải hiểu rằng, tự lập không có nghĩa là bỏ mặc đứa trẻ tự làm mọi thứ. Tự lập là con phải độc lập trong cuộc sống, trong suy nghĩ và độc lập phải xuất phát từ sâu thẳm bên trong con người con. Muốn con độc lập, ngoài việc trao quyền cho con được làm việc, bậc làm cha mẹ cần có sự hướng dẫn và đồng hành cùng con. Chúng ta đưa cho con sự hướng dẫn cụ thể. Nếu con bị vấp ngã, hãy chỉ cho con cách đi chậm, quan sát xung quanh. Nếu con khóc vì đau, hãy cho con một cái ôm, một cái vỗ về để con hiểu rằng ba mẹ vẫn luôn bên cạnh con.
Nếu con đã biết tự ăn nhưng thỉnh thoảng con muốn mẹ giúp đút ăn, đừng vội từ chối. Hãy giúp con nếu như bạn có thể. Hãy nói với con rằng,
– Mẹ biết con có thể tự ăn nhưng hôm nay mẹ sẽ giúp con một chút. Vì mẹ yêu con.
Bản thân những người trưởng thành như chúng ta đôi lúc vấp ngã, bị tổn thương vẫn cần một lời động viên an ủi từ những người thân yêu huống chi là một em bé với tâm hồn mỏng manh. Tâm hồn trẻ vốn dĩ còn non nớt mà bất kỳ hành động sai lầm nào của cha mẹ cũng sẽ là vết hằn theo suốt cuộc đời con. MOTA chắc rằng không ai trong chúng ta muốn con cái chúng ta sau này sẽ mặc kệ trước những khó khăn của người khác, thờ ơ trước những cảm xúc của người khác
Dù chúng ta – những người cha mẹ – từng là những em bé bị tổn thương lúc nhỏ, đôi lúc chúng ta vẫn cư xử với con như cách mà chúng ta được đối xử, chúng ta vẫn hành động như tiềm thức vẫn bảo, nhưng MOTA tin rằng, với tình yêu thương con trẻ và sự cởi mở tiếp nhận tư tưởng Giáo dục Khai phóng, ba mẹ chính là điểm bắt đầu cho một thế hệ trẻ em trọn vẹn hơn!
Theo giáo viên Montessori của Mota.
Xem thêm: https://bit.ly/3eCQgti
Xem thêm: https://mota.com.vn/