GIÁO DỤC SỚM KHÔNG PHẢI NHẰM TẠO RA THIÊN TÀI

🌟Hồi xưa nghe nói tới giáo dục sớm mình không thích lắm. Mình nghĩ rằng: Giáo dục sớm là cho con học nhiều lĩnh vực khác nhau từ khi còn nhỏ tuổi, và nghĩ con còn nhỏ như thế học chi cho nhiều, cứ để con chơi đùa và lớn lên một cách tự nhiên. Và mình tự cho mình là một bà mẹ có tư tưởng tiến bộ, không cần con phải trở thành người này người kia, chỉ cần con hạnh phúc.

🌟Và đến bây giờ khi hiểu đầy đủ rồi, mình hiểu rằng: Mục đích của giáo dục sớm không phải để tạo ra các thiên tài, mà là hỗ trợ con đúng thời điểm khi con có nhu cầu tự nhiên, thông qua đó con hiểu chính bản thân mình, và con có thể hòa nhập với xã hội một cách dễ dàng và có ý nghĩa. Làm sao để con hiểu chính bản thân mình, đó là một câu trả lời dài lắm.
Như vậy giáo dục sớm cũng là giáo dục trong gia đình, vì trong giai đoạn 0-6 tuổi môi trường của trẻ phần lớn là gia đình, đặc biệt giai đoạn 0-3. Giáo dục trong gia đình không có gì cao siêu hết, mình thấy điều chỉnh hành vi giao tiếp của cha mẹ và các thành viên trong gia đình với trẻ thôi là thấy rất nhiều việc để làm rồi, không nhất thiết phải là đưa con tới các trung tâm giáo dục sớm cho trẻ. Nếu có điều kiện đưa con tới các trung tâm thì tốt, ở đó người ta có chuyên môn, kĩ năng, phương pháp nhưng không phải vì vậy mà cha mẹ tự tạo ra áp lực rằng mình phải đưa con tới những nơi như vậy, rồi vô tình áp lực lên con rằng con đi học ở đây con phải đạt được tiêu chuẩn như thế này, thế kia.

🌷🌷🌷Nhà mình áp dụng giáo dục gia đình cho con đơn giản như sau:

🌟 Ba mẹ muốn con trở thành người như thế nào thì làm hình mẫu cho con bắt chước. Mình không thể nói con: “Con phải nói chuyện rõ ràng, từ tốn” trong khi mình suốt ngày nói chuyện với chồng con như đang chặt chém =))) Ba mẹ làm hình mẫu cho con bằng những hoạt động sinh hoạt hằng ngày, muốn con chào hỏi người lớn thì ba mẹ gặp người lớn tuổi hơn cần chào hỏi, muốn con dạ thưa thì ba mẹ cũng cần dạ thưa với người lớn tuổi. Ba mẹ không dạ thưa với con vì như vậy hoàn toàn sai ngữ cảnh.

🌟 Muốn con làm gì thì ba mẹ hãy làm cho con thấy (ví dụ đánh răng mỗi sáng và tối), không muốn con làm gì thì đừng làm điều đó trước mặt con (không muốn con mê điện thoại thì đừng ôm điện thoại trước mặt con). Hiện giờ đối với Mía cái điện thoại cũng giống như những món đồ chơi khác, để gặm, để ném (nhưng không bao giờ có cơ hội để ném vì ba mẹ thường để điện thoại ngoài tầm mắt của con)… Chồng mình lúc đầu cũng phản đối rằng con k dùng điện thoại, ipad con sẽ lạc hậu so với thế giới, mình mới nói rằng: Chúng ta vẫn cho con sử dụng điện thoại, chỉ là không dùng trong giai đoạn này. Yên tâm là điện thoại rất dễ sử dụng (các nhà sản xuất điện thoại mong muốn vậy mà) nên khi con được tiếp xúc con sẽ biết cách sử dụng sớm thôi.

🌟 Cung cấp cho con thông tin đúng sự thật, không nói đùa sai sự thật vì con trẻ tin vào người lớn hoàn toàn, nếu sau này con phát hiện ra điều ba mẹ nói là không đúng, con sẽ mất niềm tin, đặt sự nghi ngờ khi ba mẹ nói bất cứ vấn đề nào. Sự thiết lập niềm tin của con với ba mẹ trong giai đoạn còn nhỏ cũng là sự thiết lập niềm tin với thế giới bên ngoài, nếu niềm tin ấy bị lung lay con sẽ hoang mang và dễ mất phương hướng. Ví dụ: khi con cầm cái remote máy lạnh và ba không muốn con chơi cái remote vì sợ hư, ba nói con đưa remote cho ba và đứng vào tường đi, ba chụp hình cho con. Khi con đứng vào tường và chờ đợi ba chụp hình, ba lại lấy cái remote (thay vì máy chụp hình hoặc điện thoại) giả vờ bấm tít tít rồi nói vơi con ba chụp rồi, xong cất luôn cái remote luôn. Như vậy ba nghĩ ba đã không giật cái remote trong tay con 1 cách thô bạo nhưng ba đã vì mục đích ngắn hạn – không cho con chơi cái remote – mà quên đi mục đích dài hạn – giới thiệu đúng chức năng của món đồ để con biết cách sử dụng, sử dụng khi nào. Sau này con có thể học lại, ok có thể học lại và biết rằng cái remote dùng để điều khiển máy lạnh từ xa, nhưng như vậy có đáng không, có tốn thời gian của trẻ và của cả người lớn không? Hơn nữa, cái gì được giới thiệu lần đầu tiên, biết tới lần đầu tiên luôn làm mình nhớ rất lâu, để sửa lại/ để thay đổi thì cần cố gắng nỗ lực rất nhiều. Mình thì chọn con đường dễ đi và tiết kiệm thời gian & tiền bạc nhất hehe.

🌟 Thông báo cho con biết trước những việc mình sắp/ sẽ làm liên quan tới con để con biết trước và chuẩn bị tâm lý. Ví dụ: chúng ta sẽ rời công viên và đi về nhà sau 10’ nữa, sáng mai chúng ta sẽ tới phòng khám để bác sĩ kiểm tra cục hạch ngay nách của con nhé, cuối tuần này cả nhà mình sẽ qua thăm anh Cát Vũ nha…

🌟 Ưu tiên cho con vui chơi với thiên nhiên, thay vì đi các quán café máy lạnh sạch sẽ, mình sẽ chọn cho con ra các quán café có cây cối và hồ cá. Thường xuyên cho con về quê ông bà nội ngoại, đưa con ra công viên, thường xuyên cho con đi chân đất trên cách khoảng đất an toàn – thường là bãi cỏ, trên sàn đá, những nơi k có vụn sắt, kẽm, mảnh thủy tinh… Cho con chơi nước thoải mái ở ngoài – ở nhà ít cho chơi vì sợ tốn tiền nước haha, cho con bốc đất, bốc đá, nhặt lá, chơi cát…

🌟 Cho con chơi với đồ thật, vật thật thay vì đồ giả, đồ mô phỏng. Mình sẽ cho con quả cam thật, quả táo thật chứ hạn chế đưa cho con 1 cái thẻ có hình quả cam, hoặc quả táo.

🌟 Hay nhờ con làm những việc con có thể làm được. Ví dụ Mía 15 tháng mình có thể nhờ đi cất sách lên kệ giúp mẹ, cất giày của con vào kệ giày, lấy khăn lau nước tiểu, lấy bịch khăn giấy…

🌟 Cho con ăn theo kiểu con thích và ăn bao nhiêu tùy con. Nếu tới bữa con không ăn, mình không ép, không dụ dỗ, khi nào con đói con có thể ăn món cơ bản, chứ không bắt con phải nhịn đói, mình k đợi tới bữa tiếp theo mới cho con ăn. Mình không ủng hộ việc bắt con phải nhịn đói, đây là quan điểm cá nhân.

🌟 Phát âm đúng để con nghe và học cách nói đúng. Không nhại lại giọng của con khi con phát âm không đúng, vì như vậy bé sẽ không biết để sửa sao cho đúng.

🌟 Không hù dọa con, không cường điệu, phóng đại sự việc. Ví dụ: khi con không chịu ăn ba mẹ nói con ăn đi không chú công an tới bắt nhốt, không cho con ở với ba mẹ đâu. Công an là những người bảo vệ an ninh tổ quốc, hỗ trợ cho đời sống chúng ta, k phải là đối tượng để đem ra hù dọa trẻ con. Nếu tới lúc con đi lạc mà ba mẹ nói hãy tới công an tìm giúp đỡ thì điều đó đã gây mâu thuẫn cho con rồi…

Theo giáo viên Montessori của Mota

Xem thêm: https://bit.ly/3eCQgti

Xem thêm: https://mota.com.vn/

No products in the cart.