Mô hình động vật là một món đồ chơi mà bất cứ ba mẹ nào cũng nên sắm cho các bé con của mình, bởi sắm đồ chơi theo sở thích cho con là một cách tốt nhất để giúp con học hỏi và đứa trẻ nào cũng có tình yêu đặc biệt với thế giới động vật từ rất sớm.

Những mô hình động vật khuyến khích trẻ tìm hiểu về các loài động vật, chúng giúp con hiểu và thực sự trải nghiệm sự khác biệt giữa các loài vật là gì. Kiến thức về động vật của trẻ rất lớn, trẻ không chỉ gọi tên và nhận biết được hàng trăm con vật khác nhau mà trẻ còn biết chúng sống ở đâu, ăn gì hoặc gọi tên các bộ phận cơ thể của con vật. Những mô hình động vật và một số cuốn sách liên quan sẽ là nguồn cảm hứng và tư liệu thôi thúc trẻ nghiên cứu chủ đề này.

Nhiều ba mẹ phân vân không biết giới thiệu/ hướng dẫn cách chơi với những mô hình động vật cho trẻ. Điều này dẫn đến các mô hình chưa được tận dụng triệt để và chưa khơi gợi hết sự tò mò khám phá bên trong trẻ. Sau đây, Mota sẽ hướng dẫn các ba mẹ một số hoạt động với mô hình động vật dành cho trẻ từ sơ sinh đến trẻ nhỏ (trẻ biết đi) và trẻ mẫu giáo (trẻ lớn).Tất cả các hoạt động đều rất hấp dẫn được thực hành dựa trên triết lý của phương pháp giáo dục Montessori.

Có ba nhóm các loại hoạt động dành cho các lứa tuổi: hoạt động cơ bản, hoạt đông thứ cấp và hoạt động cao cấp. Tuy nhiên, đây chỉ là hướng dẫn cơ bản vì luôn có sự phát triển khác nhau giữa các trẻ nên hãy kiên nhẫn và quan sát con nếu như bạn thấy con chưa thành thạo một kỹ năng nào đó trong các hoạt động mà chúng ta đề cập dưới đây.

Hy vọng MOTA có thể cùng ba mẹ đồng hành với trẻ – 20% dân số thế giới – 100% tương lai của nhân loại.

I.   CÁC HOẠT ĐỘNG CƠ BẢN

GIỎ/RỔ GIÁC QUAN

Giỏ khám phá, giỏ kho báu là một giỏ mây nhỏ chứa đầy các vật phẩm mà con bạn được chào đón để khám phá chúng bằng tất cả các giác quan của mình. Khi chọn các con vật, hãy đảm bảo rằng chúng không có các bộ phận sắc nhọn có thể làm tổn thương con bạn. Hươu cao cổ là một trong những vật hoàn hảo cho lứa tuổi này, nó không quá nhỏ và cũng không quá to như Voi, hoặc có góc nhọn như Nai sừng tấm hoặc Voi ma mút…

GIỎ/RỔ GIÁC QUAN

THÙNG GIÁC QUAN

Đây là một hoạt động giác quan rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ vì chúng ta trải nghiệm và học hỏi thông qua các giác quan của mình. Điều cần thiết là phải kích thích những giác quan đó. Cách làm một thùng giác quan rất đơn giản, chỉ cần một cái hộp lớn (hộp nhựa, hộp đựng giày…) rải một ít giấy cắt vụn, cát, cát động lực…và các mô hình động vật. Đưa cho con một cái muỗng lớn, con sẽ múc những con vật từ thùng này sang thùng khác, một chiếc nhíp hay kẹp để trẻ thực hiện hoạt động sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động của trẻ. Một chiếc kính lúp có thể giúp trẻ phát hiện những đặc điểm của các loài động vật.

ĐI BỘ GIỮA THIÊN NHIÊN

Tuỳ thuộc khu vực mà chúng ta sinh sống mà chúng ta có thể thấy được các loại động vật khác nhau nói chung. Ví dụ ở Việt Nam thì chúng ta dễ dàng bắt gặp con chó, mèo, gà, chim, cá…Vậy nên chúng ta cần mua những mô hình động vật của những con vật mà chúng ta khó có cơ hội gặp được. Ví dụ như chúng ta mua một mô hình con voi, thỉnh thoảng chúng ta sẽ mang chú voi này ra công viên, để chú voi này đi trên bãi cỏ, điều đó giúp trẻ dễ dàng hình dung ra được con vật trông sẽ như nào trong môi trường tự nhiên của chúng.

HOẠT ĐỘNG GHÉP CẶP

Ghép cặp là một trong những kỹ năng toán học cơ bản, vì vậy điều quan trọng là phải thực hành nó. Hoạt động này thật sự thú vị đối với trẻ mới biết đi và trẻ sơ sinh.

Khi đọc những cuốn sách/ tạp chí có hình ảnh của một con vật nào đó, hãy nói trẻ “Wow, nhà mình có bạn khỉ này nè, con đi lấy tượng khỉ đến xem đúng không?”. Chắc chắn trẻ sẽ rất hào hứng chạy đến kệ và tìm bức tượng chú khỉ và mang đến ngay cho mà xem

TÊN GỌI VÀ CÁCH PHÁT ÂM TÊN GỌI

Khi bạn nhận ra trẻ hào hứng với bất cứ con vật nào mà trẻ nhìn thấy, hãy đi theo mong muốn của trẻ, dạy trẻ tên gọi của con vật đó và lắng nghe âm thanh khi bé phát âm tên gọi của nó. Sau đó, hãy giới thiệu cho trẻ nhiều hơn nữa về con vật mà trẻ đang quan tâm, ví dụ như, tiếng kêu của con vật đó như thế nào, nó ăn gì, sống ở đâu…Khi trẻ hào hứng một điều gì đó, nó như một dòng chảy thôi thúc sự tìm hiểu

khám phá bên trong đứa trẻ, đây là lúc trẻ hấp thụ tất cả những thông tin mà bạn cung cấp cho con một cách thích thú và tập trung nhất

Các thẻ 3 phần Montessori hoặc những cuốn sách về động vật được ghép với một bức tượng nhỏ sẽ mang lại cho trẻ trải nghiệm các giác quan tốt hơn (thị giác / thính giác / xúc giác).

LÀM CHO VIỆC ĐỌC SÁCH TRỞ NÊN HÀO HỨNG HƠN

Hãy làm cho thời gian đọc sách trở nên hấp dẫn hơn bao giờ khi bạn có sẵn những mô hình động vật như những con vật trong sách, những trang sách sẽ trở nên sống động hơn bao giờ hết. Đây là một mẹo nhỏ “dụ dỗ” các bạn nhỏ yêu thích việc đọc sách.

TRÒ CHƠI NHÌN BÓNG ĐOÁN TÊN CON VẬT

Tất cả những gì bạn cần cho trò chơi nhìn bóng đoán tên con vật là một căn phòng tối, một ngọn nến/ đèn nhỏ và một số mô hình động vật. Bạn có thể bắt đầu bằng cách khuyến khích trẻ đoán xem bóng tối in trên tường là của con vật nào. Nó không chỉ mang tính giải trí cho trẻ mà còn cho cả các bậc phụ huynh.

IN DẤU CHÂN LÊN ĐẤT NẶN

Tất cả những gì bạn cần là một ít đất nặn tự làm hoặc mua và một số mô hình động vật. Hướng dẫn trẻ quan sát các bộ phận đặt biệt là bàn chân của các loài động vật. Sau đó, bạn sẽ in dấu chân lên đất nặn và cho trẻ đoán xem đó là dấu chân của loài nào.

HOẠT ĐỘNG XÚC & CHUYỂN

Xúc và chuyển là những cách thú vị để thực hành các kỹ năng vận động của đôi tay (vận động tinh). Tất cả những gì bạn cần để thiết lập hoạt động này là hai cái bát/ hộp, một cái rỗng và một cái hộp chứa đầy các mô hình động vật và cát động học / cát / giấy vụn/nước… và một đồ vật như muỗng, kẹp giúp trẻ xúc và chuyển động vật từ hộp này sang hộp khác. Trẻ mới biết đi phải mất một thời gian để làm quen với hoạt động này nên ba mẹ hãy kiên nhẫn, hoạt động này sẽ giúp đôi tay trẻ trở nên khéo léo hơn.

ĐỘNG VẬT VÀ HOẠT ĐỘNG GHÉP CẶP THEO GIA ĐÌNH TỪNG LOÀI

Đây là một hoạt động tuyệt vời hỗ trợ sự phát triển các kỹ năng tư duy phân tích và tổng hợp hình ảnh của trẻ (rất quan trọng đối với các kỹ năng đọc viết và làm toán sau này). Nó rất đơn giản, bạn chỉ cần một con vật là ba, mẹ hoặc con và yêu cầu trẻ đi tìm các thành viên còn lại.

TÌM HIỂU KHÁI NIỆM ĐỐI LẬP

Những mô hình động vật động vật có thể giúp việc tìm hiểu khái niệm đối lập trở nên dễ dàng hơn. Bạn có thể bắt đầu bằng cách giải thích sự khác biệt về kích thước (lớn- nhỏ) hoặc sự khác biệt về trọng lượng (nhẹ -nặng) của một số mô hình con vật và giúp trẻ sắp xếp chúng thành các nhóm. Sắp xếp là một kỹ năng toán học tiền đề. Vì vậy nhờ hoạt động này mà trẻ của bạn sẽ không chỉ học các mặt đối lập mà còn bắt đầu áp dụng tư duy logic vào cuộc sống hàng ngày.

II.     LEVEL THỨ CẤP

GHÉP CẶP CÁC CON VẬT VỚI MÀU DA CỦA CHÚNG

Bạn hãy tìm trên mạng và in các tấm bìa có hình màu da của các con vật như, hươu cao cổ, ngựa vằn, hổ…Trẻ có thể thực hành phân biệt hình ảnh thông qua việc ghép các tấm bìa có hình da với các tượng con vật của nó.

KHUYẾN KHÍCH TRẺ VUI CHƠI

Các bức tượng nhỏ con vật rất phù hợp để kết hợp với trò chơi xếp khối như là Lego, xếp hình gỗ…. Cả một bầu trời sáng tạo cho trẻ đây rồi, nào là nông trại cho thú, rạp xiếc, bệnh viện…. Trẻ có thể có hàng tá ý tưởng cho việc chơi với mô hình động vật và các đồ chơi mà trẻ đang có sẵn

HOẠT ĐỘNG SẮP XẾP

Hoạt động này rất tuyệt vì nó phát triển theo đúng nghĩa đen của con bạn. Bé càng lớn và càng tiến bộ thì khả năng chơi sẽ xuất hiện nhiều hơn. Có nhiều cách phân loại động vật khác nhau. Ví dụ như, động vật có ngà và động vật không có ngà. Động vật có vú và bò sát, động vật có cánh và động vật không có cánh.

Bạn có thể giới thiệu cách sắp xếp từ rất sớm, ngay cả khi con bạn chỉ biết 2-3 con vật. Và sau đó nói trẻ phân loại mèo với mèo, cừu với cừu và chó với chó, v.v. Khi trẻ đã có ý tưởng, trẻ sẽ yêu cầu có thêm các hoạt động tương tự như thế này, đó sẽ là cơ hội tuyệt vời để trẻ tìm hiểu thêm tên động vật và cơ thể của chúng.

BỊT MẮT NHẬN BIẾT CON VẬT

Nghe tiêu đề của hoạt động thôi là thấy hấp dẫn rồi nè. Một hoạt động thuần Montessori đây rồi! Tất cả những gì bạn cần là một số mô hình động vật và một chiếc khăn bịt mắt. Trẻ sẽ bịt mắt và đoán tên con vật thông qua sờ chạm. Với trò chơi này, trẻ có thể chơi hàng ngàn lần mà không thấy chán.

CỨU HỘ ĐỘNG VẬT

Giải cứu động vật là một hoạt động vui nhộn giúp phát triển các kỹ năng vận động và tư duy phản biện. Bạn có thể chuẩn bị nhiều biến thể khác nhau của nó như, dán động vật lên bề mặt phẳng bằng băng keo, đặt vài sợi dây thun lên các mô hình động vật hoặc hay ho hơn là đan chéo những sợi dây vào cái rổ đựng thú,… và nói bạn nhỏ tìm cách giải những động vật này. Tuy nhiên, tôi quyết định luồn một số sợi đay qua các lỗ của giỏ đựng kẹp quần áo, và Tôi yêu cầu con trai tôi giải cứu các bức tượng nhỏ con vật bằng cách sử dụng kẹp.

PHÂN LOẠI ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN – TRÊN KHÔNG – DƯỚI NƯỚC

Hoạt động đơn giản này sẽ giúp con bạn hiểu rằng một số loài động vật chủ yếu sống trên không, dưới nước hoặc trên cạn.

Bạn có thể thực hiện nó theo nhiều cách khác nhau. Bạn có thể chụp ảnh đại dương, đất liền và bầu trời và yêu cầu bé sắp xếp các con vật thành ba nhóm

CÁC BỘ PHẬN CƠ THỂ ĐỘNG VẬT

Đây là một cách tuyệt vời để mở rộng vốn từ vựng của con bạn. Chọn một con vật mà trẻ yêu thích nhất, và dần dần đặt tên cho các bộ phận trên cơ thể của trẻ. Bạn có thể bắt đầu bằng cách giới thiệu những cái đặc biệt nhất, như ngà và vòi của voi, mỏ và cánh của đại bàng. Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra con bạn sẽ phát hiện ra một số loài động vật có các bộ phận cơ thể giống nhau.

ĐỘNG VẬT ĂN

Tôi thường dạy con trai mình về sở thích, tập quán ăn uống của các loài vật theo ba cách sau:

  • chúng ta cùng nhau đọc sách về các loại động vật nhé
  • Chọn một con vật và hỏi con “Con biết bạn hươu cao cổ thì thường ăn cái gì không? Và tôi chỉ cho con tất cả các món mà con hươu cao cổ ăn.
  • Hoặc tôi sẽ đặt một loài vật và thức ăn của nó vào cùng một cái khay (con khỉ và quả chuối, ngựa và táo, heo và rau…). Sau đó hai mẹ con sẽ cùng nhau thảo luận về chủ đề này.

Cứ như thế, tôi sẽ chuẩn bị nhiều mô hình động vật và thức ăn của nó hơn vào những lần sau, để giới thiệu và bé sẽ ghép cặp loài vật và thức ăn của nó với nhau. Hoạt động trên quả là dễ dàng và thú vị để dạy cho con về các loại vật và tập quán ăn uống của nó đúng không nào?

HOẠT ĐỘNG ĐẾM

Bạn trẻ nào cũng đều rất hào hứng đếm số khi mới biết về khái niệm số đếm. Con trai tôi thường đếm tất cả các con vật mà con chơi cùng, hoặc sắp xếp chúng thành từng nhóm rồi đếm. Những món đồ thủ công bắt mắt hoặc những đồ vật sẽ rất hấp dẫn cho trẻ đếm như, chọn số 5 và yêu cầu trẻ xếp 5 con heo vào một cái khay.

TRÒ CHƠI PHÂN VAI

Trẻ luôn là fan hâm mộ cuồng nhiệt của trò chơi đóng giả vai và trò chơi giả vờ làm bác sĩ là điều trẻ yêu thích nhất. Đôi khi bộ dụng cụ bác sĩ của trẻ trở thành bộ dụng cụ thú y để trẻ khám bệnh cho các con vật.

Trò chơi rất quan trọng đối với trẻ em và đó là cơ hội tuyệt vời để những bậc cha mẹ truyền cho trẻ giá trị của việc chăm sóc người khác, bao gồm cả động vật thông qua một trò chơi.

TRÒ CHƠI TRÍ NHỚ

Một hoạt động thuần Montessori nữa cho bé nè!

Hãy chọn một vài mô hình động vật (có thể thêm 1 vài vật khác), đặt chúng lên khay hoặc bàn để trẻ quan sát chúng trong vòng 1-2 phút. Sau đó yêu cầu trẻ nhắm mắt lại, bạn lấy đi 1 mô hình bất kỳ và giấu đi. Sau đó hỏi trẻ xem, cái gì đã biến mất?

III. CÁC HOẠT ĐỘNG CẤP CAO

KHƠI GỢI TÍNH TÒ MÒ/HỌC HỎI CỦA TRẺ

Đặt các con vật vào khay và trẻ đặt chúng trên bản đồ của một lục địa cụ thể trên bản đồ. Ví dụ: Kangaroo chỉ sống ở Úc, trẻ sẽ tò mò và muốn tìm hiểu về nước Úc. Đây là cơ hội tuyệt vời để cung cấp mọi thông tin về quốc gia/ châu lục đó cho trẻ.

TÌM HIỂU PHÁT ÂM, CHỮ VIẾT

Các mô hình động vật là những học cụ ngôn ngữ hoàn hảo để dạy ngữ âm. Những mô hình động vật cỡ nhỏ hoàn toàn phù hợp cho các hộp ngữ âm. Trẻ sẽ không từ chối lời mời gọi vào góc ngôn ngữ khi mà hộp ngữ âm là những chú Sóc, heo, bò siêu đáng yêu đang chờ trẻ.

HOẠT ĐỘNG VẼ THEO BÓNG CON VẬT

Đây có thể là một hoạt động ngoài trời hoặc trong nhà và là một hoạt động dễ tổ chức nhất. Tất cả những gì bạn cần là một chút ánh nắng mặt trời, đèn pin, một vài mô hình động vật, giấy và bút (bút chì, bút màu)

TÌM HIỂU VỀ CÁC LOÀI SẮP TUYỆT CHỦNG VÀ CÁCH GIÚP CHÚNG

Một lượng lớn các loài động vật đã bị tuyệt chủng, thật may là ngày nay con người đã dần giác ngộ và chọn lối sống thân thiện với thiên nhiên hơn. Hơn ai hết, người lớn chúng ta cần nuôi dạy tình yêu thiên nhiên nói chung và tình yêu muôn loài nói riêng bằng cách giải thích sự cần thiết của việc chăm sóc hành tinh và động vật.

Tôi thường chọn một vài mô hình động vật và giải thích cho trẻ mình về nguy cơ mà các loài động vật đang phải đối mặt, như rác thải nhựa trong đại dương, băng ở Bắc Cực tan nhanh hơn đóng băng vào mùa đông sẽ gây nguy cơ cho gấu bắc cực…

Và điều quan trọng – chúng ta có thể giúp các loài động vật bằng cách nào? Tất cả chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách không xả rác bừa bãi, hạn chế dùng đồ nhựa, tiết kiệm nước và năng lượng…

MÔ HÌNH ĐỂ VẼ

Bất kể lúc nào trẻ muốn vẽ, tô hay điêu khắc, những mô hình động vật chi tiết và đẹp mắt có thể trở thành “hình mẫu” tuyệt vời cho con. Đây không chỉ là một hoạt động vui chơi mà còn là một cách để thư giãn, truyền đạt cảm xúc và tình cảm, rèn luyện các kỹ năng vận động và tăng cường khả năng sáng tạo cho trẻ.

TÌM HIỂU SỰ KHÁC BIỆT CỦA CÁC GIỐNG LOÀI ĐỘNG VẬT

Từ kích thước của tai và ngà của voi cho để phân biệt voi Châu Phi và voi Châu Á. Vô số các giống chó trên thế giới và có rất nhiều điều mà trẻ có thể học được. Các mô hình động vật sẽ là một sự hỗ trợ lớn, bởi vì chúng rất chi tiết và chúng cho phép trẻ nghiên cứu cơ thể của chúng mà không cần phải sờ vào con voi hay ra tận Bắc Cực để nhìn gấu Bắc Cực. Chỉ cần chúng ta biết cách truyền cảm hứng, biết đâu trẻ sẽ trở thành một nhà động vật học tuyệt vời trong tương lai!

LÀM TIỂU CẢNH

Làm tiểu cảnh là một trong những hoạt động sáng tạo nhất bao gồm các mô hình động vật. Hoạt động này rất mang tính giáo dục, vì bạn không chỉ giới thiệu cho con bạn nghiên cứu châu lục, phân loại động vật theo môi trường sống, dạy chúng về các loại cây, cây và hoa khác nhau, mà nó còn là một hoạt động nghệ thuật tuyệt vời.

CHIM KHÔNG BAY VÀ CHIM BIẾT BAY

Đâu phải chim nào cũng biết bay. Khám phá loài chim nào không biết bay sẽ rất thú vị đối với trẻ. Sau khi bạn giải thích khái niệm bay/không bay, bạn có thể khuyến khích trẻ bắt đầu phân loại các loài chim dựa trên đó. Trẻ của bạn càng tiến bộ, bạn càng có thể cho trẻ tiếp xúc với nhiều thông tin hơn về các loài chim, bắt dầu từ tên, lục địa chúng sống, thức ăn mà chúng ăn và điều quan trọng nhất tại sao chúng bay/không bay.

PHÂN LOẠI ĐỘNG VẬT HOẠT ĐỘNG VỀ ĐÊM – BAN NGÀY

Một số loài động vật chủ yếu là hoạt động ban ngày và một số loài chủ yếu sống về đêm. Có thể đọc cho trẻ nghe một cuốn sách, hoặc sau khi trẻ đã có kiến thức về nhiều loài động vật. Hãy hướng dẫn trẻ phân loại các loại động vật theo thời gian hoạt động của chúng.

Hãy nhớ rằng, trẻ em được sinh ra với mong muốn học hỏi và phát triển tự nhiên, công việc của chúng ta với tư cách là cha mẹ hoặc người giám hộ là quan sát và hỗ trợ trẻ. Vì vậy, hãy cung cấp cho trẻ những hoạt động, những thông tin khơi gợi sự ham học của trẻ. Và đặc biệt, đừng áp lực trẻ, hãy giữ cho khoảng thời gian trẻ học hỏi là khoảng thời gian trẻ đang vui chơi.

Mota Montessori

MOTA mến mời ba mẹ lan tỏa và cập nhật thêm thông tin trên các kênh sau của MOTA Montessori:

Page: https://www.facebook.com/MotaMontessori/

Website: https://mota.com.vn/

Showroom Mota: 13 Đường số 14, Khu phố 4, Phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Hotline: 0943.79.79.08

Cám ơn ba mẹ đã tin yêu và lựa chọn MOTA đồng hành cùng các bé yêu của mình trong giai đoạn vàng này!

Trân trọng & Yêu thương!

MOTA TEAM

No products in the cart.