Khả năng độc lập trong chức năng sống của trẻ.

Một trong những điều quan trọng hàng đầu cần tập trung cho con trong giai đoạn 0-6t là khả năng độc lập của trẻ trong chức năng sống – nghĩa là trẻ sống như một con người: tự ăn, tự mặc quần áo, tự đi giày dép, tự đánh răng vào sáng và tối, tự đi toilet khi có nhu cầu (bao gồm cả việc nhận thức bản thân có nhu cầu đi toilet), tự lựa chọn quần áo để mặc… chứ không phải là con cần học các kiến thức cao siêu nào đó!

Tại sao phải là giai đoạn này? Rất nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng: Bây giờ không hướng dẫn cho con thì sau này lớn con cũng sẽ tự biết thôi, có đứa trẻ nào lớn lên mà không biết tự ăn, có đứa trẻ nào lớn lên mà không biết mặc quần áo đâu, có đứa trẻ nào lớn lên mà không biết tự đi toilet đâu! Vâng, đúng là lớn lên con sẽ biết tự ăn, tự mặc, tự đi vệ sinh nhưng quá trình phát triển tâm lý của con sẽ khác nhau lắm! Khi con được hướng dẫn những điều đúng đắn ngay từ bé, con sẽ tự tin khi hành động, con có cư xử hòa nhã với mọi người và mọi người đưa cho con những phản hồi tích cực, từ đó làm bước đệm để con bước tiếp với các hoạt động khác. Có một số năng lực con người được hình thành và chỉ hình thành trong giai đoạn 0-6 tuổi một cách rất tự nhiên và dễ dàng, nếu bỏ qua thì sau này con sẽ phải dùng ý chí của mình và nỗ lực rất nhiều thì mới đạt được. Nói như vậy không có nghĩa rằng nếu đã lỡ bỏ qua giai đoạn 0-6 thì tương lai con đã tắt, này là một chuyện khác.

Để trẻ có khả năng độc lập trong chức năng sống thì cần có môi trường phù hợp với kích thước và trí tuệ của trẻ, ví dụ muốn con gọn gàng thì cần có tủ, vật chứa để con cất các đồ dùng của con. Mình nhìn thấy rõ con mình mỗi lần bóc vỏ chuối – lần đầu mình chỉ đưa mỗi quả chuối là sau khi bóc chuối con lại vứt vỏ ngay tại chỗ, lần sau mình cung cấp chuối cùng một cái dĩa và dặn con để vỏ vào dĩa thì bé không còn vứt vỏ ra sàn nhà nữa. Con học theo tốc độ của riêng con, con là người quyết định học như thế nào và học bao nhiêu. Vì vậy, việc của chúng ta là kiên nhẫn và hướng dẫn trẻ điều đúng đắn, còn con lĩnh hội và phản ứng như thế nào là việc của con, không phải lúc nào trẻ cũng làm chính xác như những gì chúng ta hướng dẫn. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ hướng dẫn rồi mặc kệ trẻ thích làm gì thì làm – trao cho con sự tự do và kèm theo hướng dẫn, quan sát con để hiểu con tại sao con lại làm như vậy mà không làm như khác, xem con đang gặp khó khăn ở đâu để đưa ra sự hỗ trợ vừa đủ (mọi sự giúp đỡ thừa thải đều đang cản trở sự phát triển của con).

Theo giáo viên Montessori của Mota

Xem thêm: Các bài viết đồng hành cùng con theo Montessori

Xem thêm: https://mota.com.vn/

No products in the cart.