1. Ngôn ngữ nói
Ở giai đoạn này bé có thể phát âm những từ có phụ âm đầu là “m, b” như là: ba, bà, ma ma, măm măm,… Biết phản hồi những yêu cầu đơn giản như: vỗ tay, bye bye,…Đôi khi ba mẹ có thể bắt gặp bé liên tục ê a như đang kể chuyện. Bé cũng dần biết phân biệt mọi người trong nhà, hiểu âm điệu giọng nói (vui, buồn,..), đặc biệt bé có thể hiểu được từ “không”.
Để hỗ trợ bé phát triển ngôn ngữ tốt nhất, ba mẹ hãy:
- Tạo môi trường có ngôn ngữ phong phú bằng cách cung cấp từ vựng cho bé về không gian xung quanh mỗi ngày. Lưu ý: lời nói và hành động cần có sự nhất quán, gọi đúng tên sự vật kể cả âm thanh mà bé bắt gặp trong môi trường,…
- Bé chỉ có thể lặp lại âm thanh mà bé được nghe hàng ngày, vì vậy ngoài việc cung cấp từ mới hãy thường xuyên lặp lại cho bé lắng nghe. Chú ý về cách phát âm khi giao tiếp với bé, việc này sẽ giúp giảm thiểu tối đa tình trạng bé phát âm, bật âm không đúng sau này.
- Đây là giai đoạn nhạy cảm về ngôn ngữ, bé cần được luyện tập khẩu hình miệng và dùng lưỡi trong khi giao tiếp cùng mọi người. Việc ngậm ti giả sẽ khiến lưỡi bé cứng đơ một vị trí, miệng không bật được âm thanh,… dần dần bé không có mong muốn nói hoặc dễ bị nói ngọng, nói đớt,… Hãy giúp bé nhanh chóng cai ti giả nếu vẫn còn sử dụng ba mẹ nhé.
2. Tính xã hội
Bé biết phân biệt người lạ, người quen, rất thích được chơi cùng người thân, đặc biệt là ba mẹ. Có bé sẽ thích được mọi người làm quen với mình một cách thân thiện, có bé lại không muốn gần gũi ngay mà né tránh người lạ.
Bé có phản xạ khi được gọi tên. Ba mẹ có thể để ý khi gọi hay nói chuyện với bé, bé sẽ đáp lại bằng ánh mắt hoặc cử chỉ, biểu cảm cười hoặc mếu và tiếng nói “ê” “a” từ miệng.
Bé biết quan sát và biểu lộ cảm xúc vui đùa với mọi người. Đặc biệt thích thú khi được chơi trò ú oà, biết bắt chước vỗ tay, vẫy tay tạm biệt, tìm đồ mà bố mẹ giấu.
Bé thích xem và “ê”, “a” với người bạn trong gương. Khi mới tập lật, ngồi hoặc vịn đứng,… gương sẽ là điểm thú vị khiến bé giữ tư thế đó lâu hơn. Nếu có thể hãy thường xuyên cho trẻ soi gương và chỉ cho bé biết đó là mình, cho trẻ được quan sát các bộ phận cơ thể, gọi tên cảm xúc.
Lúc này cũng là thời gian mẹ quay lại với công việc, đồng nghĩa với việc bé sẽ phải trải qua sự xa cách đầu tiên, đặc biệt với những bé thích bám mẹ sẽ vô cùng cảm thấy bất an, thậm chí là khủng hoảng khi không nhìn thấy bố mẹ trong tầm mắt. Vì vậy, hãy cố gắng chuẩn bị tâm lý cho bé ngay từ đầu.