Kỹ năng vận động tinh
Ở giai đoạn này, bé cử động bàn tay nhiều hơn, nếu có đồ chơi chuyển động bé sẽ nỗ lực với lấy chúng. Đến khoảng 6 tháng hầu hết các vận động phản xạ mất dần và chuyển thành vận động có mục đích. Có thể cầm lấy nếu muốn tuy nhiên bé chưa thể chủ động thả đồ vật khỏi tay đang cầm được.
Đưa tay hướng theo đồ chơi, khi đưa tay lên cao để với chạm, bé nhìn thấy và nhận thức được tay là 1 bộ phận cơ thể của mình. Tương tự với đôi chân, từ đó bé bắt đầu muốn khám phá chúng có khả năng gì.
Bước sang tháng thứ 6 bé có thể vỗ tay thành tiếng.
Bé thích quan sát đồ chơi trong tay, đập đồ chơi và dùng cả hai tay cho một mục đích cầm nắm. Tuy nhiên, bé vẫn chưa thể chủ động điều khiển được lực tay của mình, đôi khi bé dùng lực tay rất mạnh chỉ để cầm.
Kỹ năng vận động thô
Nếu ba mẹ bắt gặp khoảnh khắc bé cúi cằm về phía ngực (gập cổ) thì đó chính là dấu hiệu đánh dấu thời kì lẫy, lật của bé sắp diễn ra. Một số bài tập có thể cho bé rèn luyện như: đưa đồ chơi ngang ngực bé để bé nhìn, để bé tự nắm lấy chân mình,…
Thời gian bé tập lật, ba mẹ hãy lưu ý về quần áo của bé và cả chiếc nệm bé đang nằm nhé, hãy xem thử chúng có quá dày hay quá mềm không,… vì khi bé đang cố gắng lật, nếu nệm lún xuống sẽ là một cản trở lớn đối với bé. Ngoài ra, khi bé đang cố gắng, ba mẹ hãy quan sát đừng giúp bé ngay, nếu bé gặp khó khăn, ba mẹ có thể hỗ trợ bằng việc chỉnh lại vị trí tay/chân của bé để bé dễ lật hơn thay vì làm hộ bé. Khi đã làm được, bé sẽ vô cùng hưng phấn và thích thú bởi vì cảm giác thành công đầu tiên và cũng vì cách di chuyển đầy mới mẻ này đã giúp bé chủ động hơn. Từ 5 tháng, bé có thể chủ động lật từ ngửa sang sấp và ngược lại.
Khi bé có thể nâng đầu, cổ dễ dàng trong tư thế nằm sấp, ba mẹ có thể thấy bé bắt đầu vận động nhiều hơn. Bé rất muốn được tự do di chuyển xung quanh, điều này thôi thúc bản năng nhoài người trườn của bé. Ba mẹ có thể cuộn chăn và đặt phía sau bé, bé sẽ dùng chân đẩy vào đó để rướn người về phía trước.
Ngôn ngữ
Từ 2 – 4 tháng bé bắt đầu bập bẹ các nguyên âm a, u, e… Đôi khi bé có thể tự hốt hoảng vì chính âm thanh mình phát ra. Bé còn đặc biệt thích nhìn chằm chằm khuôn miệng của chúng ta và cũng tập cử động môi và mấp máy theo. Hãy tạo cơ hội cho phép điều này diễn ra mỗi ngày qua những lần kết nối, hãy đối thoại chậm rãi với bé, tránh nói “kiểu em bé” và đảm bảo rằng bé có thể thấy rõ mặt chúng ta.
Cuối tháng thứ 4, bé dần nhận biết và bắt đầu lặp lại âm thanh hay hét lớn âm đó vì bé nghĩ rằng âm thanh này rất thú vị. Đặc biệt, bé bắt đầu biết sử dụng ngôn ngữ cơ thể khi muốn thể hiện cảm xúc và nhu cầu bản thân. Đây là thời điểm thích hợp để ba mẹ có thể dạy bé các ngôn ngữ kí hiệu.
Hãy để bé được tham gia vào cuộc nói chuyện của mọi người trong gia đình. Để bé được sống trong môi trường mà ngôn ngữ luôn hiện diện, lời nói, tiếng hát, những câu chuyện hay bài hát vui vẻ. Khi đó, ta dễ dàng bắt gặp bé chuyển động cơ thể nhiều hơn, biết định hướng được nơi phát ra âm thanh, quan sát và lắng nghe một cách đầy thích thú, thỏa mãn sự tò mò. Bé sẽ có cảm giác bản thân được hòa nhập hơn, từ đó phát triển giác quan, cảm xúc và ngôn ngữ nói của bé.
Tính xã hội
Bé biết thể hiện cảm xúc nhiều hơn, biểu cảm đa dạng, biết phân biệt người lạ và người thân dù chưa thể nói. Khi vui vẻ bé có thể cười giòn thành tiếng.
Bé rất tò mò về môi trường xung quanh, thích vận động liên tục, ngẩng cao đầu để được quan sát. Đặc biệt, thích ngắm nhìn mình trong gương mặc dù bé chưa nhận biết được đó chính là bản thân mình.
Bé thích thú với những đồ chơi lục lạc có âm thanh to vừa phải, thích gây tiếng động để thu hút sự chú ý của mọi người. Khi có một món đồ thú vị và bé muốn khoe, bé sẽ giơ chúng lên cao để cho ta thấy.
Sẽ thật tuyệt nếu ba mẹ có thể giúp bé gọi tên cảm xúc mỗi khi bé thể hiện những biểu cảm khác nhau trên gương mặt và dần tạo thành thói quen cho bé. Điều này giúp bé sớm có nhận thức về cảm xúc của mình, quan trọng hơn là giúp chỉ số EQ (Emotional Quotient) – chỉ số cảm xúc của bé phát triển ngay từ nhỏ.