PHẦN 1.4: CÓ NÊN NGĂN CẢN KHI BÉ NGẬM MÚT?

Từ 3 tháng tuổi trở đi, là ba mẹ ai cũng vui mừng khi thấy con mình bắt đầu biết lẫy, biết lật, biết đưa tay ra với chạm, vòi đồ,…Bên cạnh niềm vui ấy, dường như nỗi lo về việc bé ngậm mút cũng không ít hơn là bao.

“Tại sao đưa cái gì con cũng cho vào miệng?”
“Lỡ nguy hiểm, hóc đồ rồi sao?”
“Rồi mai này lại thành thói quen xấu thì sao?”

Có lẽ đây là câu hỏi lớn của hầu hết ba mẹ có con bước vào giai đoạn biết cho đồ vào miệng. Tuy nhiên ba mẹ có biết, miệng là nơi có nhiều đầu dây thần kinh xúc giác hơn bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể. Vì thế, khi muốn khám phá điều mới lạ bé sẽ liền cho chúng vào miệng, đối với bé hoạt động gặm mút này chính là một cách để bé học về thế giới xung quanh. Và các chuyên gia thường gọi đây là giai đoạn môi miệng – giai đoạn nhạy cảm của khoang miệng trước khi bắt đầu giai đoạn ăn.

Thời kì này, nếu ba mẹ ngăn cản, bé sẽ không được thỏa mãn nhu cầu phát triển tự nhiên, bé sẽ cáu gắt, gào khóc và dễ sinh ra khủng hoảng tâm lý. Nếu điều này kéo dài sẽ vô tình khiến bé có thói quen xấu sau này như giành thức ăn với người khác hay thậm chí nhặt đồ ăn rơi vãi đưa vào miệng.

Lợi ích từ việc hỗ trợ con phát triển trong giai đoạn gặm mút

Có thể ba mẹ chưa biết, em bé vẫn có những căng thẳng riêng của mình và việc gặm mút chính là một cách giúp bé giải tỏa căng thẳng, xoa dịu tinh thần.

Khi gặm mút, tất cả các giác quan trong khoang miệng của bé đều được kích thích, giúp bé nhận thức và tiếp thu đầy đủ thông tin của đồ vật mà bé đang chạm tay vào. Việc bé liên tục cử động miệng, hàm và lưỡi để gặm, giúp bé xây dựng cơ miệng, phát triển khả năng nói, sẵn sàng xử lý các loại thức ăn để bắt đầu tập ăn dặm, phát triển phản xạ ngăn ngừa việc nuốt vật lạ và nghẹt thở.

Ngoài ra, hệ thống miễn dịch trong cơ thể bé cũng đang tìm hiểu về thế giới bên ngoài, nên việc gặm mút giúp hệ thống miễn dịch mới tinh và non nớt của bé nhận biết tốt hơn vi khuẩn, vi rút có thể xâm nhập, giúp bé sẵn sàng chống lại những kẻ xâm lược này, bảo vệ tốt nhất cho cơ thể.

Hãy bình thường hóa mọi nhu cầu nhận thức và phát triển của bé. Hãy kiểm soát và biến tất cả mọi thứ xung quanh mà bé có thể chạm tay vào được trở nên an toàn hơn, luôn ở cạnh quan sát khi bé chơi, như vậy sẽ chẳng còn nỗi lo nào nữa. Và khi bé đã được thỏa mãn rồi bé sẽ sẵn sàng bước qua giai đoạn học hỏi mới bằng đôi tay của mình chứ không ở mãi giai đoạn môi miệng này nữa.

No products in the cart.