những lưu ý nhỏ khi hỗ trợ bé 3-6 tháng

PHẦN 2.2: NHỮNG LƯU Ý NHỎ KHI HỖ TRỢ BÉ 3-6 THÁNG

Đồ chơi là một phần niềm vui và quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Các nhà sản xuất luôn có thông tin hướng dẫn và dán nhãn hầu hết các đồ chơi. Nhưng điều quan trọng nhất mà cha mẹ có thể làm đó là giám sát con trẻ. Bởi vì trẻ ở giai đoạn này có xu hướng đưa đồ vật vào miệng để khám phá nên dễ gây ra các trường hợp nguy hiểm,… Và một nguy cơ khác cũng không kém phần quan ngại đó là nguy cơ ngộ độc khi trẻ ngậm những đồ chơi không an toàn. Vì vậy, ba mẹ hãy luôn lưu ý:

  • Thường xuyên vệ sinh đồ chơi theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.
  • Kiểm tra, đảm bảo đồ chơi không hư hỏng, mất chi tiết hoặc không sử dụng được.
  • Thay đổi đồ chơi nếu quan sát thấy rằng bé đã thành thạo hoặc không có hứng thú ở thời điểm này. Để chắc chắn rằng bé không còn hứng thú với chúng, ba mẹ hãy cất đi và sau 3-4 tuần đem ra lại và quan sát phản ứng của bé nhé!

Chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

Mặc dù em bé sơ sinh có phản xạ cầm nắm tự nhiên nhưng em bé chỉ thực sự chơi được với lục lạc sau khi bé đã lật và trườn. Vì vậy, trước tiên chúng ta hãy hỗ trợ bé rèn luyện vận động cánh tay thực tốt để làm tiền cho các kỹ năng vận động khác của bé phát triển. Bằng cách bắt đầu với những món đồ chơi treo và song song đó là những bài tập với các đồ chơi lục lạc có hình dạng đơn giản cho bé dễ tương tác.

Ví dụ bắt đầu với quả bóng múi hay vòng tập cơ tay,… bởi chúng có kích thước to, bé sẽ dễ chạm vào hơn. Đối với chuông tập cơ tay, chuông được thiết kế nhỏ, tiết diện tiếp xúc ít nên bé khó chạm vào hơn, thông thường bé từ 4 tháng sẽ dễ thao tác với chuông hơn bởi bé đã dần nhận thức và làm chủ vận động với chạm.

Tương tự, với các món cầm nắm và gặm nướu thì chuỗi hạt, chuông montessori, bóng len là những món có hình dạng đơn giản phù hợp cho các bài tập cầm nắm cơ bản. Đối với bóng gai hay 3 vòng tròn giác quan lồng nhau được thiết kế phức tạp hơn, đây được xem như một thử thách đối với bé. Chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

Chúng ta có thói quen treo cao thấp tùy ý, treo càng nhiều càng tốt hoặc đặt đồ chơi trực tiếp vào trong tay bé,… Tuy nhiên, tất cả những điều này sẽ chẳng có lợi gì đối với sự phát triển của bé mà còn khiến bé bị rối, bị chơi thụ động. Vì vậy, ngay từ khi bắt đầu, chúng ta chỉ cung cấp 1 món và cho bé tương tác trong khoảng cách 25-30cm so với mắt bé. Mục đích để bé có thể quan sát rõ đồ chơi. Và khi sự hứng thú lên cao sẽ thôi thúc động lực bên trong, khiến bé nỗ lực muốn đưa tay với lấy đồ vật trước mặt. Lúc này, ba mẹ hãy cho bé cơ hội được thành công với chạm, đẩy, đá,… đồ chơi nhé.

Thời gian đầu rèn luyện, việc để đồ chơi trong tầm với tay của bé để bé dễ dàng thành công có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng lòng tin của bé về bản thân. Khi cố gắng làm và thành công, bé tự tin hơn và muốn lặp lại hoạt động. Nếu chúng ta treo quá cao, dù bé cố gắng nỗ lực thế nào cũng khó với tới, như vậy bé sẽ dần nản chí và chẳng còn hứng thú với đồ chơi. Và nếu điều này cứ kéo dài liên tục, khi lớn hơn bé cũng chẳng còn tin tưởng rằng bản thân mình sẽ làm được cho dù là việc nhỏ. Ngoài ra, nó còn có ý nghĩa như một sự tôn trọng của ba mẹ dành cho bé, đó là quyền bé được tự quyết định có tương tác với đồ chơi hay không.

Việc được rèn luyện mỗi ngày giúp bé phát triển nhận thức, chuyển đổi các phản xạ cầm nắm thành vận động có chủ ý riêng của bé. Ngoài ra, khi bé cố gắng với lấy đồ chơi đồng nghĩa bé đang tập trung phát triển ý chí của mình. Hãy quan sát bé khi chơi, không nên can thiệp cản trở khi bé đang cố gắng tự mình khám phá, điều này giúp bé rèn luyện sự tập trung vào những gì mà bé đang quan tâm. Nếu ba mẹ liên tục hỗ trợ và tương tác với bé, bé sẽ khó rèn luyện được ý chí kiên nhẫn, dễ sao nhãn, cứ thế bé sẽ ỉ lại vào việc tương tác này và không hứng thú với đồ chơi nữa, đồng thời điều này có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập sau này.

Đồ chơi có khả năng phát ra âm thanh trong giai đoạn này cũng được coi là một công cụ để kiểm tra phản xạ, khả năng lắng nghe và nhận thức của bé. Ba mẹ có thể cầm và rung lắc 2-3 lần trước mặt bé, bên phải hoặc bên trái tai bé rồi xem phản ứng của bé (ba mẹ lưu ý tránh rung chuông quá mạnh hoặc quá gần tai bé).

Quan sát là yếu tố quan trọng không thể bỏ qua trong Montessori!

Để biết bé đang phát triển như thế nào và cung cấp môi trường cũng như các hoạt động có mức độ khó phù hợp thì chúng ta cần phải quan sát bé. Qua quan sát, ta sẽ biết được nhu cầu phát triển của bé có đang được đáp ứng đầy đủ và tốt không. Từ đó chúng ta có một sự thấu hiểu sâu sắc về em bé và biết cách đưa ra phản hồi sao cho phù hợp với nhu cầu của bé.

  • Để sự quan sát có hiệu quả chúng ta cần phải ẩn mình đi. Bé rất dễ phân tâm vì vậy không nên tương tác hay để sự có mặt của chúng ta làm ảnh hưởng đến bé. Nếu chúng ta xen vào dù chỉ một chút thì kết quả quan sát sẽ không chính xác.
  • Ngoài cách ngồi quan sát và ghi chép lại như một nhà nghiên cứu khoa học thì chúng ta vẫn có thể quan sát khi đang làm gì đó khác, và ghi chép lại bằng cách ghi nhớ những khoảnh khắc của bé.
  • Khi quan sát chúng ta sẽ vô tình nhận ra em bé có những khả năng đáng kinh ngạc, lúc đó ta chỉ muốn nhảy cẩn lên và chạy lại ôm, tự hào về bé. Có nên không nhỉ? Thật ra là không, hãy cố gắng bình tĩnh và tiếp tục quan sát, vì lúc này bé đang vô cùng tập trung làm và phát triển, chúng ta không nên xen ngang quá trình này.

Duy trì và phục hồi môi trường sau khi bé chơi

Theo Montessori thì môi trường cần có sự trật tự và mọi món đồ phải có vị trí của nó, khi bé muốn chơi với món mới thì phải cất món hiện tại đang chơi về chỗ cũ. Nhưng chúng ta không thể làm vậy với em bé nhỏ vì bé vẫn chưa có khả năng làm việc này.

Vậy chúng ta nên làm gì?

  • Hãy đợi đến khi bé hoàn thành. Điều này sẽ giúp bé tập trung hơn vào quá trình chơi.
  • Thông báo cho bé biết rằng chúng ta cần cất đồ chơi về lại vị trí cũ sau khi chơi xong.
  • Em bé sẽ theo dõi chúng ta nên hãy làm một cách chậm rãi.
  • Hãy lặp lại những điều này mỗi khi bé chơi xong để giúp bé hình thành thói quen và tự thực hành sau khi biết đi.

Để không biến căn nhà chúng ta thành “bãi chiến trường đồ chơi” của bé, ba mẹ hãy hạn chế số lượng đồ chơi cho bé nhé. Việc hạn chế số lượng sẽ cho phép bé tập trung, không bị choáng ngợp và ba mẹ cũng dễ dàng hơn trong việc kiểm soát chất lượng đồ chơi của bé.

No products in the cart.