THẢM ĐỊNH VỊ ĂN DẶM
1. Lợi ích tuyệt vời của thảm định vị ăn dặm
Khi bé bắt đầu tập ăn dặm, việc chúng ta sớm giới thiệu và trình bày bàn ăn phù hợp sẽ giúp bé tập trung vào những gì bé đang có, đồng thời giúp bé hấp thu và phát triển gu thẩm mỹ từ bữa ăn của mình.
Cụ thể, thảm định vị hỗ trợ bé thiết lập tính trật tự và sự gọn gàng. Giúp bé hiểu nơi mà bé có thể đặt chén, dĩa, muỗng, nĩa, ly nước trên bàn ăn – đây là nền tảng giúp hình thành tính cách ngăn nắp khi lớn lên, bé luôn cảm thấy bình an khi đồ vật luôn được đặt ở 1 vị trí cố định, không bị xáo trộn. Những nét chỉ thêu giúp bé nhận thức đồ vật ở dạng 3D khi chuyển qua 2D sẽ có hình dạng như thế nào, từ đó gián tiếp gợi ý cho bé hiểu thêm về hoạt động ghép cặp 3D và 2D.
Thông qua thảm định vị, bé có thể tự sắp xếp và chuẩn bị bàn ăn cho chính mình mà không cần đến sự giúp đỡ của người lớn. Bé dần đạt được sự độc lập và luôn có hứng thú với những bữa ăn do chính mình chuẩn bị.
2. Cách sử dụng thảm định vị ăn dặm chuẩn Montessori
Trải thảm định vị lên bàn ăn của bé. Mời bé ngồi vào bàn. Dùng tay chỉ lên thảm để thu hút sự chú ý của bé. Lần lượt giới thiệu và đặt từng món đồ dùng của bé lên thảm định vị.
Hãy ngồi bên cạnh bé để dễ quan sát và hỗ trợ khi bé cần. Hãy cho phép bé được chủ động, không thúc ép, không vội vã giúp đỡ khi bé khó khăn,… điều này sẽ giúp bé tự tin, tập trung hơn, không bị lệ thuộc vào người lớn.
Khi thấy dấu hiệu bé muốn kết thúc bữa ăn. Hãy hỏi xem bé đã ăn xong chưa và chờ bé phản hồi. Nếu bé đã ăn xong hãy ngỏ ý giúp bé rời bàn ăn, đồng thời hướng dẫn cho bé thấy cách chúng ta dọn dẹp sau khi ăn xong. Vệ sinh và cất thảm ăn ở vị trí cố định – nơi mà bé có thể thấy và tự lấy được khi đã biết đi.
Dĩ nhiên sẽ chẳng có bữa ăn hoàn hảo tốt đẹp ngay từ lần đầu tiên dù ta áp dụng đúng cách như thế nào vì em bé của chúng ta vẫn đang trong thời kì tìm hiểu ý nghĩa của mọi hoạt động này. Vậy nên, ba mẹ ơi hãy thật kiên nhẫn và lặp lại điều này mỗi ngày để giúp bé hiểu, ghi nhớ và tạo thành thói quen riêng cho bản thân mình nhé.
3. Cột mốc độc lập đầu tiên của bé và những lưu ý quan trọng
Khi chúng ta ăn, nếu có bé bên cạnh, ta dễ dàng bắt gặp ánh mắt bé đang chăm chú nhìn hành động chúng ta dùng tay đưa thức ăn từ chén/dĩa lên miệng và nhai như thế nào, ta cũng có thể thấy thấy miệng bé cũng đang chép chép theo. Khoảnh khắc này chính là dấu hiệu cho ta thấy bé đã sẵn sàng bước vào giai đoạn ăn dặm.
Mục đích của việc ăn dặm là để bé bắt đầu khám phá và làm quen với các dạng thức ăn. Vì vậy, ba mẹ đừng quá lo lắng về việc phải làm sao để bé ăn thật no, đủ dinh dưỡng hay ăn cho hết bữa mà hãy để bé được tự do cảm nhận niềm vui trong bữa ăn, được quan sát và tự quyết định mình sẽ ăn gì, sẽ tiếp tục hay ngừng bữa ăn. Từ những sự tự chủ độc lập này, ba mẹ có thể quan sát được rằng bé yêu nhà mình đang thích và không thích ăn gì, cách bé xử lý tình huống trong bữa ăn như thế nào, từ đó ba mẹ sẽ biết cách làm sao để hỗ trợ bé trong những bữa ăn dặm tiếp theo.
Cho phép bé hòa mình với bữa ăn gia đình, điều này giúp bé ngầm hiểu rằng bữa ăn cũng là một cách giao tiếp, khi mọi người cùng nhau ăn bé sẽ vui vẻ và hứng thú hơn với bữa ăn của mình.
Việc cung cấp cơ hội cho bé được tự quyết định ăn như thế nào sẽ giúp bé học cách hiểu cơ thể mình: biết khi nào đói, khi nào no, cần ăn bao nhiêu và lúc nào nên dừng.
Hoạt động với tay bốc chụp đồ ăn cũng giúp bé phát triển kỹ năng vận động tinh, là cơ hội cho bé được lựa chọn và đưa ra quyết định. Mặc dù thời gian đầu sẽ khá lộn xộn nhưng thay vào đó điều này sẽ khuyến khích bé tự làm, phát triển sự độc lập tốt hơn.
Có thể bé sẽ ném tấm trải bàn xuống sàn, ba mẹ hãy liên tục giới thiệu về tấm trải bàn cho tới khi bé không thích ném nữa. Ba mẹ nên chuẩn bị số lượng từ 2 thảm để có thể kịp giặt và thay đổi trong ngày cho bé.
Hoạt động “xúc” sẽ khá khó khăn với bé giai đoạn này vì vậy hãy bắt đầu với việc dùng nĩa lấy một lượng thức ăn nhỏ và đút bé ăn, sau đó lặp lại hành động ấy nhưng lần này chúng ta không đút ngay mà hãy để vào dĩa trước mặt bé, hướng cán nĩa về phía bé. Bé sẽ bắt đầu học cách quyết định dùng tay nào để cầm nĩa và ăn.
Chúng ta có thể đưa cho bé một chiếc khăn tay để lau miệng trước, trong và sau bữa ăn, đây được xem là hoạt động chăm sóc bản thân đầu tiên mà bé được học.
4. Bàn ghế như thế nào sẽ phù hợp cho bé ngồi ăn dặm?
Chúng ta cũng lưu ý về nơi ăn của bé. Nên có một vị trí cố định cho bé ngồi ăn, tránh để bé hôm nay ngồi chỗ này, ngày mai ngồi chỗ khác, việc này sẽ khiến bé vô tình nghĩ rằng chúng ta có thể vừa chơi vừa ăn hay vừa đi dạo vừa ăn.
Việc cung cấp cho bé một bộ bàn ghế phù hợp cũng giống như việc ba mẹ đang trao cho bé sự độc lập, bé có thể chủ động trong việc tự kéo ghế ngồi vào bàn, đưa tay với lấy đồ ăn trên bàn và ra khỏi bàn ăn khi đã ăn xong.
Hãy chọn một bộ bàn ghế có kích cỡ phù hợp cơ thể bé và chân bé vẫn chạm được sàn nhà khi ngồi vào. Điều này sẽ giúp bé tập trung hơn cho việc kiểm soát đôi tay, bé tập trung vào đồ ăn và lắng nghe cơ thể cần gì thay vì cảm giác lo lắng chới với vì không có điểm tựa an toàn.
Nếu bắt buộc phải chọn một chiếc ghế cao để bé ngồi cùng bàn ăn với gia đình, ba mẹ hãy chọn chiếc ghế an toàn, có thanh chắn cho bé để chân. Đối với mẫu ghế cao này, chắc chắn bé khó có thể tự rời bàn khi dừng bữa vì vậy ba mẹ cần quan sát để biết khi nào bé muốn dừng bữa ăn và hỗ trợ bé rời khỏi ghế.