Chọn kệ đồ chơi chắc chắn, có kích thước phù hợp với bé. Ở giai đoạn chập chững, bé rất thích kéo, đẩy, leo,… vì vậy các đồ nội thất quanh bé nên có sự cố định và chắc chắn, không bị đổ ngã khi bé tác động lực. Ngoài ra, kích thước kệ là điều vô cùng quan trọng, nếu chọn kệ quá to/cao bé sẽ không thể tự do chọn lựa đồ chơi cho mình, bé phải chờ đợi/nhờ vã đến sự hỗ trợ từ người lớn xung quanh, bé mất dần đi sự tự tin và từ “giúp con” dần trở thành câu cửa miệng vì bé nghĩ rằng bé không làm được gì cả nếu không có sự hỗ trợ.
Hãy trưng bày đồ chơi trên kệ ở vị trí bé có thể quan sát và tự lấy được. Em bé luôn thích học hỏi và có sự tò mò lớn về mọi thứ xung quanh. Nếu đồ chơi bị cất hết vào thùng cho gọn thì bé sẽ lục tung cả thùng chỉ vì bé muốn biết bé có gì.
Mọi đồ dùng nên có vị trí của nó. Hãy khuyến khích bé sau khi chơi/dùng xong món nào thì trả về đúng vị trí cũ của nó. Đối với đồ chơi có nhiều chi tiết nên cung cấp thêm một cái khay gỗ sẽ giúp bé dễ dàng cất chúng đi sau khi làm việc xong. Điều này giúp bé tăng khả năng quan sát, phát triển trí nhớ, rèn luyện tính cách gọn gàng và tôn trọng đồ dùng của mình. Khi mọi thứ luôn ở một vị trí nhất định thì bé sẽ có nhiều thời gian tập trung hơn, bé biết nên đi đến đâu để tìm món đồ bé đang cần.
Giống như con đường chúng ta đi làm hằng ngày, nếu mỗi ngày chúng ta chọn đi một con đường mới, chúng ta sẽ mất rất nhiều năng lượng và thời gian để tìm đường, nhưng nếu đi con đường quen thuộc thì có phải ta vô cùng tự tin, luôn có sự chuẩn bị tốt cho mỗi hướng rẽ và tiết kiệm được rất nhiều năng lượng cũng như thời gian?! Bé cũng vậy!
Tùy thuộc vào giai đoạn và tính cách của bé để chuẩn bị môi trường phù hợp. Em bé 0-3 tuổi chưa có sự kiên nhẫn cao, bé có thể sẽ chọn cách hoạt động ngay tại kệ chứ không lấy đồ chơi ra thảm chơi hay ngồi ở bàn chơi. Vì vậy, hãy bố trí không gian hoạt động cho bé có một khoảng trống vừa đủ và có thể lót 1 chiếc thảm trải sàn để bé ngồi chơi. Tùy vào vị trí địa lý và thời tiết ở khu vực mà chọn loại thảm dày/mỏng phù hợp. Khi chọn khu vực bố trí hoạt động cho bé hãy tránh những nơi có nhiều kích thích khác như ti vi, gần đường phố, nơi có nhiều người đi lại,… để bé tập trung hơn.
Chọn và trưng bày đồ chơi phù hợp giai đoạn và sự hứng thú của bé. Khi bày trí tránh bày quá nhiều dễ khiến căn phòng lộn xộn. Với bé “less is more” càng ít càng tốt, hãy quan sát sự phát triển của bé để lựa chọn hoạt động phù hợp. Từng món đồ có trong môi trường phải có mục đích đối với sự phát triển của bé. Với em bé chập chững thì nên tối đa là 6 lựa chọn, việc này giúp bé quan sát được tất cả những gì bé có, dễ đưa ra quyết định và bé sẽ tập trung rèn luyện kỹ năng thay vì phân vân chọn lựa rồi chạm tay mỗi thứ một chút. Nhờ vậy mà ba mẹ cũng dễ dàng quan sát bé đang hứng thú với điều gì, kỹ năng bé như thế nào để hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, nên có sự luân phiên đồ chơi khoảng 1-2 tuần/lần để tạo sự mới mẻ cho bé.