Đến thời điểm hiện tại, có lẽ nhiều ba mẹ đang trong tình trạng “áp lực” khi chơi với con – một việc tưởng như rất nhàn nhưng lại khiến biết bao ba mẹ ngán ngẩm.
Vì sao nhỉ?
- Vì con không hợp tác;
- Vì không hiểu con thực sự muốn gì;
- Vì không có ý tưởng bày trò chơi với con;
- Vì con nhanh chán khiến ba mẹ cũng quay cuồng theo,…
Thật ra, đây là tình trạng chung của hầu hết các gia đình có con nhỏ và việc có thể chơi cùng con một cách nhẹ nhàng là một kỹ năng tâm lý chúng ta cần phải học. Tại đây, Mota sẽ gửi đến ba mẹ những lưu ý quan trọng khi chơi cùng con nhé!
1. Khu vực chơi của con và sự trật tự
Ai mà chẳng thích mọi thứ ngăn nắp, sạch đẹp. Khi mọi thứ được gọn gàng sẽ khiến ta có tâm trạng vui vẻ thoái mái, tăng cảm giác muốn làm việc hơn, điều này cũng được áp dụng cho tâm lý của các bé. Vì vậy, việc đầu tiên là ba mẹ nên chuẩn bị cho bé một góc riêng để con chơi trong nhà.
Thay vì các tủ kín hay giỏ đồ chơi thì một chiếc kệ đồ chơi chắc chắn, có kích thước phù hợp với bé sẽ là một lựa chọn vô cùng tuyệt vời, bởi khi có kệ con sẽ có thể quan sát được con đang có những món đồ chơi gì, con có thể chủ động tự chọn đồ chơi con thích và khi chơi xong con có thể tự cất vào dễ dàng mà không phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Lặp đi lặp lại mỗi ngày sẽ giúp con rèn luyện tính độc lập tự sớm.
Chỉ ngăn nắp gọn gàng thôi thì chưa đủ. Mọi đồ dùng nên có vị trí của nó. Hãy khuyến khích bé sau khi chơi/dùng xong món nào thì trả về đúng vị trí cũ của nó. Đối với đồ chơi có nhiều chi tiết nên cung cấp thêm một cái khay gỗ sẽ giúp bé dễ dàng cất chúng đi sau khi làm việc xong. Điều này giúp bé tăng khả năng quan sát, phát triển trí nhớ, rèn luyện tính cách gọn gàng và tôn trọng đồ dùng của mình. Khi mọi thứ luôn ở một vị trí nhất định thì bé sẽ có nhiều thời gian tập trung hơn, bé biết nên đi đến đâu để tìm món đồ bé đang cần.
2. “Chơi với con…” không phải áp đặt con
Chúng ta hay bị lầm giữa “chơi với con” và “áp đặt con”. Mặc dù trong suy nghĩ chúng ta luôn nghĩ rằng mình đang chơi với con, nhưng thực tế hành động và lời nói khi tương tác cùng con vô tình lại trở thành sự áp đặt: “Con muốn cái chơi gì nào? Ừm,.. thôi mình không chơi cái đó, ba mẹ thấy cái này hay nè, mình chơi cái này đi!”.
Chúng ta cần nhanh chóng định nghĩa lại cụm từ “chơi với con”:
- Chơi với con là nương theo con: không áp đặt con phải/không được chơi gì.
- Chơi với con là đồng hành cùng con: chấp nhận cái con chọn để chơi cùng.
Nếu ba mẹ không muốn con chơi cái nào khác, hãy cho con 2 sự lựa chọn. Việc được lựa chọn sẽ giúp con tập trung và chỉ nghĩ đến 2 lựa chọn ba mẹ đưa ra, như vậy sẽ giúp ba mẹ và con đều cảm thấy thoải mái, mà con cũng cảm nhận được sự tôn trọng từ ba mẹ.
Tâm lý con trẻ cũng như người lớn chúng ta, chẳng ai thích chơi với một người cứ bắt mình phải thế này, thế kia, không được như thế nọ. Và trước khi bắt đầu, ba mẹ hãy quan sát xem tâm lý bé đã sẵn sàng chơi chưa nhé.
3. Quá trình chơi cần có sự sáng tạo và tương tác
Trẻ học rất nhiều thông qua việc tương tác với người lớn. Ví dụ: Nếu con chơi xe thì cùng bày trò xe đi lên núi (lên chậm, xuống nhanh), xe đi theo tín hiệu đèn giao thông, âm thanh của các loại xe hoặc kết hợp cùng các bài hát chủ đề về xe,…
Đặt các câu hỏi tương tác để khơi gợi tư duy sáng tạo của bé. Lưu ý:
- Câu hỏi phù hợp độ tuổi bé:
Ba mẹ cần biết ngôn ngữ nói của bé đang phát triển như thế nào, để dựa vào đó đặt câu hỏi mà bé có thể trả lời được. Ba mẹ có thể vừa nghĩ câu hỏi vừa dự đoán câu trả lời của bé để chuẩn bị tâm lý và các tình huống có thể xảy ra. Tránh những câu hỏi quá phức tạp, bé không hiểu bởi vì lúc này ngôn ngữ nói của bé vẫn còn hạn chế, nếu nhiều lần ba mẹ hỏi bé không trả lời được thì bé sẽ dễ cáu gắt, khó chịu đối với người nhà và sau này, khi bước ra xã hội bé sẽ hình thành tính cách không tự tin, không dám bày tỏ, nói lên ý kiến của bản thân. - Câu hỏi phù hợp khả năng bé:
Đôi tay là công cụ cho sự sáng tạo, ba mẹ có thể khơi gợi bé những trò chơi phù hợp với khả năng hiện tại bé có thể làm. Nếu điều ba mẹ gợi ý vượt ngoài khả năng của bé, bé cứ thử làm mãi mà không được thì khó tránh khỏi bé sẽ cáu gắt, la hét, dễ nổi nóng, cọc tính, sau này khi bước ra xã hội bé sẽ không có sự tự tin tham gia các công việc, bỏ qua cơ hội phát triển.
4. Hãy có cách khích lệ đúng:
- Thay vì những lời khen sáo rỗng, hãy mô tả lại những gì chúng ta vừa quan sát được: “Ồ đúng rồi, con đã xỏ được 1 hạt vào kim rồi nè, con hãy thử xỏ tiếp hạt thứ 2 nhé”, đi cùng biểu cảm vui vẻ của mẹ sẽ là động lực cho bé tiếp tục hoạt động.
- Nếu bé quăng ném đồ chơi, hãy dừng bé lại và nhắc nhở bé cách chơi đúng bằng cách đặt câu hỏi, đồng thời cho bé thời gian tự suy nghĩ về việc bé đang làm, tránh lớn giọng với bé: “Mẹ thấy con quăng đồ chơi đi, con có muốn chơi nữa không?… Nếu con không muốn chơi nữa, con hãy cất chúng đi nhé, đồ chơi là để chơi, nếu con muốn quăng ném, mẹ sẽ cho con trái banh và chúng ta sẽ ném ở ngoài sân nhé!”.
- Nếu bé không muốn chơi tiếp, hãy khuyến khích bé mang đi cất về chỗ cũ: “Chúng ta cần làm gì sau khi chơi xong con nhỉ?… Đúng rồi, chúng ta cần đem đồ chơi đi cất về chỗ cũ”. Ba mẹ làm mẫu và để bé phụ một phần: “Con muốn mẹ cất giúp con à? Vậy mẹ sẽ giúp con mang cái này đi cất, còn con mang cái kia nhé!”.
- Nếu bé không muốn dọn dẹp, ba mẹ hãy đem đồ chơi đi cất để làm gương cho bé: “Hôm nay con chưa thể tự cất đồ chơi được, vậy mẹ sẽ làm mẫu con xem, vào lần tới con hãy tự cất thử nhé, mẹ tin con sẽ sớm làm được!”.
Khi được chơi cùng ba mẹ, bé sẽ phát triển trí thông minh cảm xúc rất nhiều, sợi dây kết nối giữa ba mẹ và bé sẽ bền chặt hơn, bé sẽ học được từ cách sử dụng ngôn ngữ, cách thể hiện, lối suy nghĩ, hành động của ba mẹ. Vì vậy, ngay bây giờ chúng ta hãy thật sự “đầu tư” vào việc chơi cùng con ba mẹ nhé!