Dấu ấn của một căn phòng ngủ Montessori là một tấm gương trên tường. Mặc dù công dụng của gương sẽ thay đổi mỗi khi bé bước qua một giai đoạn mới, nhưng tính hữu dụng của nó vẫn không thay đổi. Gương là một phương tiện giúp bé sơ sinh mở rộng tầm nhìn rất tốt khi mà mọi vận động của bé còn rất hạn chế, bé chưa thể ngóc đầu, lật ngửa hay ngồi dậy để mở rộng tầm mắt. Vì thế, một chiếc gương sẽ giúp bé nhìn thấy bố mẹ đang lại gần, tự quan sát bản thân trong quá trình khám phá.
Lợi ích của việc sử dụng gương cho bé giai đoạn 3-6 tháng:
Kích thích sự tò mò: Nằm gần gương sẽ mang lại góc nhìn rộng mở cho toàn bộ căn phòng của bé. Dù chưa thể tự di chuyển để khám phá, nhưng bé sẽ sử dụng gương để nghiên cứu các đồ vật trong phòng, cũng như khuôn mặt của mọi người ở phòng.
Kích thích thị giác: Vì mắt bé vẫn chưa hoàn thiện nên những gì chuyển động quá nhanh bé sẽ bỏ qua. Chiếc gương sẽ cung cấp mức độ kích thích phù hợp thị giác bé nhất vì những gì bé đang xem sẽ không chuyển động nhanh hơn chúng có thể!
Phát triển ngôn ngữ nói: Bé chưa thể nhận ra người trong gương chính là bé, bé nghĩ đó là một người bạn và ê a trò chuyện với “bạn” trong gương.
Khuyến khích vận động: Trong thời gian tập lẫy, lật và nằm sấp, gương khuyến khích bé vận động nhiều hơn, bé luôn cố gắng ngẩng cao đầu để được nhìn khuôn mặt trong gương, thích thú trườn lại gần và chạm vào gương. Công việc này xây dựng sức mạnh cốt lõi của bé, cuối cùng bé sẽ muốn ngồi dậy và di chuyển.
Ba mẹ ơi, hãy luôn lưu ý với bé rằng chúng ta cần phải “NHẸ NHÀNG” với “bạn GƯƠNG” nhé!