PHẦN 3.4.3. NHỮNG ĐỒ DÙNG CẦN CÂN NHẮC KỸ TRƯỚC KHI MUA DƯỚI GÓC NHÌN MONTESSORI

Bài viết được dựa trên nghiên cứu khoa học dưới góc nhìn Montessori, hi vọng sẽ giúp ba mẹ có cái nhìn đa chiều hơn trong việc chăm sóc bé!

XE TẬP ĐI

Trong thời gian hỗ trợ bé tập đi, sản phẩm này có thể là một trong những lựa chọn của ba mẹ dành cho bé. Nhưng, khi đặt bé vào xe ngồi, bé sẽ có cảm giác như thế nào?

Bé thường đứng bằng ngón chân khi ngồi trong xe tập đi, khiến cơ bắp ở chân không phát triển đúng cách và bé có thể không quen với việc đi bằng cả bàn chân. Sự cân bằng không đúng trọng lực khiến bé dễ bị chúi mặt về phía trước, hoặc là đi nhón bằng đầu ngón chân làm mất đi sự cân bằng tự nhiên.

Khi di chuyển, xe này cũng xoay vòng vòng khiến não và sọ của bé cũng di chuyển lên xuống, nếu tác động mạnh dễ làm va đập gây đứt gãy các liên kết thần kinh – thứ mà bé đang rất cần cho sự phát triển để hoàn thiện bản thân.

Việc gắn liền bé với xe làm cho bé có cảm giác xe là một bộ phận cơ thể của mình. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của bé về cơ thể chiếm diện tích trong không gian như thế nào. Ví dụ: Bé ngồi trong xe và đi tới một lối nhỏ, bé muốn đi qua nhưng xe không đi lọt qua, việc này khiến bé không có nhận thức đúng kích thước cơ thể của mình mặc dù cơ thể bé có thể lọt qua.

Ngoài ra, vì nghĩ rằng an toàn nên nhiều người lớn có thói quen bỏ mặc bé trong chiếc xe tròn và dẫn đến nhiều trường hợp như trẻ quơ tay, đi va chạm,… dẫn đến nguy hiểm. Dù chỉ lơ là một giây cũng có thể xảy ra những chuyện bất ngờ.

Vậy chúng ta có thể hỗ trợ con tập đi như thế nào?

Mẹ hãy tạo điều kiện và giúp con tập đứng, vì việc này sẽ giúp săn chắc, phát triển cơ, xương chân – tiền đề cho những bước đi đầu tiên vững chãi. Bé có thể với gương tay vịn, sau đó giúp bé gập đầu gối để từ từ ngồi xuống nhằm tránh tổn thương phần mông và xương cột sống.

Khi cùng con tập đi, mẹ hãy dìu con đi từng bước một, nhưng không thúc đẩy hay kéo bé đi theo mình để tránh gây trật cổ tay hay xương vai bé. Thay vào đó, mẹ nên nâng từ khủy tay hay vai bé, như vậy sẽ an toàn hơn. Khi bé đã đi thành thạo, mẹ có thể dùng tay dắt bé đi.

Các chuyên gia khuyên rằng mẹ không cần phải đi giày cho con khi tập đi trong nhà, việc đi lại bằng chân trần sẽ giúp bé cảm nhận rõ hơn về từng bước đi và cân bằng hơn.

No products in the cart.