1. Bắt đầu “chỉ thị” của bạn với “Mẹ muốn”
Thay vì nói “Bỏ con dao xuống” hãy nói “Mẹ muốn con bỏ dao xuống”
Thay vì nói “Hãy cho Sam mượn đồ chơi” hãy nói “Mẹ muốn con cho Sam mượn đồ chơi”
Điều này sẽ phù hợp với sự phát triển tâm lý của bé. Bé muốn làm mẹ vui nhưng ghét bị ra lệnh.
2. Sử dụng câu “Khi con… mẹ cảm thấy”
“Khi con chạy lung tung trong siêu thị, mẹ cảm thấy lo lắng vì con có thể bị đi lạc”.
“Khi con không mời ba mẹ ăn cơm, mẹ cảm thấy buồn vì con không quan tâm ba mẹ”.
Mẹ nên cho con biết suy nghĩ của mẹ để đồng cảm thay vì áp đặt con phải thế này thế kia khiến con không hiểu lý do vì sao phải như thế.
3. Chân trước, miệng sau
Mẹ nấu cơm xong nhưng con vẫn mải mê xem ti vi, mẹ quát lên, giục con ra ăn cơm. Mãi lâu sau đến độ mẹ đã mất hết kiên nhẫn vẫn chưa thấy con đi ra.
Thay vì hét lên, mẹ hãy đi đến chỗ con, tham gia với sở thích của con trong vài phút, rồi thương lượng để bé tắt ti vi và đứng dậy đi ăn cơm.
Đôi khi dạy con một cách nhẹ nhàng sẽ khiến con nghe lời hơn với một tâm lý thoải mái.
4. Đừng hỏi khó
Thay vì hỏi: “Sao con lại làm thế?” Mẹ có thể hỏi bằng cách gợi ý cho con dễ nói ra hơn như là:
- “Con kể lại cho mẹ biết chuyện gì đã xảy ra nhé?”
- “Con đã thấy gì?”
- “Con định làm gì tiếp theo?”
“Sao con lại làm thế?” – Gần như là câu cửa miệng của chúng ta mỗi khi con làm sai điều gì. Nhưng thật khó để bảo một đứa trẻ chưa phát triển đủ ngôn ngữ đi đánh giá, nhận xét, kết luận về một sự việc cho chúng ta nghe. Thay vào đó, hãy khuyến khích bé tường thuật lại sự việc để qua đó ba mẹ dễ dàng đánh giá sự phát triển và tư duy ứng xử của bé. Bé càng ít tuổi càng nên hỏi ngắn và đơn giản.
5. Hãy tích cực
Thay vì nói “Không được làm ồn ở đây!” Hãy nói “Con về phòng chơi để mẹ làm việc một chút, xong rồi mẹ sẽ có thời gian chơi cùng con!”
Thay vì cấm đoán, ra lệnh hãy thể hiện cho bé thấy thành ý và mong muốn của mẹ một cách nhẹ nhàng. Đây cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng của mẹ khi dạy con.
6. Trực tiếp
Khi yêu cầu con làm một việc gì, mẹ hãy để tầm mắt của mẹ ngang với tầm mắt con, như vậy sẽ thu hút được sự chú ý của con đồng thời con tập trung hơn vào những điều mẹ nói.
Việc nhìn vào mắt một ai đó là cách cơ bản trong giao tiếp, thể hiện sự tôn trọng. Khi dạy con, mẹ cũng nên làm như vậy để con cảm thấy mẹ đang thực sự lắng nghe mình. Thông thường, ánh mắt sẽ nói lên tâm trạng của một người. Vì vậy, hãy điều chỉnh tâm trạng trước khi dùng ánh mắt nói chuyện cùng con.
7. Hãy đơn giản
Khi trò chuyện cùng bé, hãy đơn giản hóa câu hỏi cũng như cách sử dụng từ của mình. Bởi ngôn ngữ của bé chưa phát triển đủ. Hãy lắng nghe ngôn ngữ của bé để ta biết bé đang phát triển như thế nào và để cuộc trò chuyện giữa ta và bé diễn ra thành công.
8. Cho bé sự lựa chọn
“Con thích ăn táo hay cam?”
“Con thích đội mũ màu xanh hay mũ màu vàng?”
Tránh ép buộc/áp đặt con trong mọi việc, điều này sẽ khiến con cảm thấy bị gò bó và luôn có tâm lý phẩn kháng lại. Mẹ nên tôn trọng mong muốn và sự lựa chọn của con,cho con biết rằng ý kiến của con cũng rất quan trọng và mẹ muốn lắng nghe. Nếu mẹ lo lắng sợ rằng không đáp ứng được sự lựa chọn của con thì cách đơn giản nhất là mẹ hãy đưa ra cho con 2 sự lựa chọn mà mẹ cảm thấy thoải mái với điều đó. Đây là một cách rèn luyện quan trọng, giúp con dám đưa ra và có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình.
9. “Khi nào…thì…”
“Khi nào con đánh răng xong thì mẹ sẽ đọc truyện cho con nghe nhé!”
“Khi nào con vẽ xong thì mẹ sẽ cùng con đi dạo!”
Thay vì chúng ta thường dùng câu điều kiện “Nếu… thì…” khiến con dễ cảm thấy khó chịu, bất mãn, ba mẹ hãy thử đổi sang câu “Khi nào… thì…” và cảm nhận sự tích cực của con nhé. Dù chỉ khác nhau một xíu nhưng nó khiến con cảm thấy có hứng thú hơn.