MÀN HÌNH
Tivi, ipad, điện thoại,… là những phương tiện giải trí quá đỗi quen thuộc và dường như nó đã trở thành một nét văn hoá của nhiều gia đình trước, trong và sau bữa cơm,… Tuy nhiên, một lời khuyên chân thành của Mota dành cho các phụ huynh là hãy TẮT ti vi, điện thoại, ipad,… ngay trong phạm vi của trẻ bởi những ảnh hưởng sau:
- Ảnh hưởng đến hệ thần kinh non nớt của trẻ.
Xem tivi quá nhiều khiến “cấu trúc não biến dạng”, với nhiều chất xám hơn ở vùng vỏ não trước trán. Tuy nhiên, sự gia tăng này đem đến ảnh hưởng tiêu cực, bởi nó có liên quan tới sự suy giảm về trí tuệ ngôn ngữ. Trẻ dưới 2 tuổi có thể nhìn vào những hình ảnh màu sắc và chuyển động trên màn hình, nhưng thực tế não không thể hiểu được tất cả những hình ảnh liên tục thay đổi đó. - Ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát và nhận thức hành vi của trẻ.
Hiện nay các thể loại phim hoạt hình trẻ em vẫn mang những hình thái bạo lực phi thực tế như: các nhân vật hoạt hình đánh nhau nhưng không bao giờ chết hay bị thương,… điều này vô tình tạo nên một nhận thức sai lầm cho trẻ. Một em bé có thể nghĩ rằng mình có khả năng bay giống siêu nhân và đứng trên ghế cao nhảy xuống, thậm chí còn xô đẩy, đánh bạn mà không hề biết sẽ làm đau bạn mình. - Trẻ phát triển một cách thụ động, thiếu cảm xúc.
Tất cả màn hình chiếu không yêu cầu trẻ vận dụng sự suy nghĩ hay bất cứ tương tác nào, vì vậy nó làm hạn chế tư duy sáng tạo của trẻ và khiến trẻ trở nên thiếu kiên nhẫn. Việc tiếp nhận âm thanh quá nhiều và thụ động từ tivi cũng làm hạn chế khả năng phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp của trẻ. - Trẻ bị phân tâm kém tập trung.
Một khía cạnh khá tiêu cực khác đó là ba mẹ hay dùng tivi, ipad, điện thoại để “mặc cả” với con. Dần dần trẻ trở nên bị phụ thuộc, trẻ chỉ tập trung vào màn hình mà không còn bận tâm đến bất cứ điều gì khác, thậm chí ăn cơm quên cả nhai,… dẫn đến giảm sự chú ý, quá trình trao đổi chất diễn ra kém hơn so với bình thường. - Có thể dẫn đến hội chứng TIC ở trẻ.
Bệnh này không nguy hiểm nhưng gây mất thẩm mỹ cho trẻ, khiến ba mẹ dễ bị stress. Trẻ mắc rối loạn TIC thường do ba mẹ quá bận bịu, giao con cho ông bà giữ hoặc cho con xem tivi, internet, chơi game, chơi ipad… quá nhiều.
Trên đây chỉ là một số ảnh hưởng điển hình để người lớn chúng ta có sự cân nhắc phù hợp về việc giới thiệu màn hình với trẻ. Chúng ta cũng thường nhắc về giai đoạn vàng – đó là các thời kì nhạy cảm mà ở đó trẻ có thể dễ dàng đạt được những thành tựu nhất định về vận động, ngôn ngữ nói hay cả chữ viết, toán học,… nhưng các thời kì nhạy cảm nó cũng có mặt giới hạn về thời gian, khi đã qua đi rồi thì không quay lại nữa, về sau để học được một điều gì đó, trẻ sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều so với trong thời kì nhạy cảm. Vì vậy, việc cho bé tiếp xúc với màn hình quá sớm chính là chúng ta đang lãng phí thời gian và năng lực của trẻ.