Đây là một bài viết rất hay mà Mota được chia sẻ lại từ Mầm nhỏ, hôm nay Mota xin phép được tiếp tục chia sẻ đến ba mẹ để ba mẹ có thêm góc nhìn mới trong việc giáo dục con nhé!
“Vì sao con nhà em nó nhút nhát thế, ở nhà thì hoạt ngôn lắm mà gặp người lạ là co rúm cả người lại, núp sau lưng mẹ hoặc nói thì lí nhí. Giục con nói to lên, an ủi con là “có mẹ ở đây rồi” bao nhiêu lần nhưng không tiến bộ gì cả. Tại sao những đứa trẻ khác thì đi đâu là xông xáo, chơi đùa vô tư với bạn bè, gặp người lạ cũng không sao mà con nhà mình thì nhát như cáy ý. Em phải làm gì bây giờ?”
– Trích từ lời tâm sự của các ba mẹ –
Chúng mình tin là rất nhiều bố mẹ cũng có chung thắc mắc như thế này. Cách giải quyết có lẽ là xuất phát từ chính sự thừa nhận, đồng cảm, sự kiên trì, khích lệ và yêu con vô điều kiện để giúp con vượt qua nỗi sợ của bản thân.
HÃY COI SỰ NHÚT NHÁT CHỈ LÀ TRẠNG THÁI CẢM XÚC CỦA CON KHI ẤY.
TRẺ SẼ VƯỢT QUA NẾU ĐƯỢC SỰ CHẤP NHẬN VÀ YÊU THƯƠNG VÔ ĐIỀU KIỆN.
1. Hãy cho con sự tin tưởng và an toàn
Khi đứa trẻ gặp một người lạ, đến chỗ đông người cảm giác ban đầu là rụt rè, sợ hãi vì lạ lẫm, vì chúng chưa cảm thấy an toàn, thế nên việc trẻ nhút nhát bám sau lưng mẹ, hoặc trả lời lí nhí là điều rất đỗi bình thường.
Khi ấy điều trẻ cần chính là sự ĐỒNG CẢM và THỪA NHẬN: “Con ngại khi gặp người lạ đúng không? Không sao đâu, có mẹ ở đây rồi.” chứ không phải là những lời thúc giục: “Nói to lên, có gì phải ngại, nói bé thế ai nghe thấy…”
Một ví dụ của TS Trần Thị Thu về chủ đề này: “Có những lần Bon không chịu chào hỏi, không chịu chơi khi đến nhà người lạ mà chỉ thích quanh quẩn quanh mẹ, mình cũng đều thừa nhận, thể hiện sự chấp nhận điều ấy. Sau đó mình sẽ hỏi con vì sao, cảm xúc lúc ấy của con như nào.
Đứa trẻ phải cần một quá trình tiếp xúc, một thời gian đủ dài chúng mới làm quen được môi trường mới, mới cảm thấy an toàn để bắt đầu thể hiện bản thân mình.
2. Đừng giục trẻ là hãy nói to lên khi trẻ nói lí nhí
Trong cuốn truyện Ehon “Thầy hiệu trưởng Gấu”, có kể lại câu chuyện về thầy hiệu trưởng khi đứng chào đón học sinh vào mỗi buổi sáng đều chào rất to và học trò cũng chào lại thầy rất to. Chỉ riêng có Cừu là luôn cúi mặt chào lí nhí, bởi vì những âm thanh to khiến Cừu nhớ đến tiếng cãi nhau của bố mẹ, tiếng quát mắng của mẹ.
Thầy hiệu trưởng luôn nói với Cừu là nói to lên, vì vậy ngày nào Cừu cũng lên đồi luyện tập nói to một mình, nhưng mãi không sao bật ra được.
Thế rồi thầy bị bệnh nhập viện, thầy không nói to được nhưng các bác sĩ và y tá chưa bao giờ bắt thầy phải nói to mà họ luôn ghé tai vào để nghe. Thầy đã nhận ra rằng việc mình nhắc nhở đã vô tình gây nên một áp lực lên tâm hồn Cừu. Vì thế thầy liền xin ra viện để đến trường gặp Cừu và nói xin lỗi.
Trong lúc đuổi theo Cừu, thầy quá sức nên bị gục ngã. Cừu hoảng quá đã hét lên. Nhờ tiếng kêu vang vọng khắp đồi của Cừu mà thầy đã được cứu.
Có những việc dù muốn chúng ta cũng không thể làm được, và con trẻ cũng vậy. Khi ấy điều đứa trẻ cần chỉ là sự thừa nhận, chấp nhận những yếu đuối ấy của trẻ vô điều kiện, để trẻ cảm thấy được an toàn và che chở.
Và một đứa trẻ chỉ có thể tự lập khi nó cảm nhận được tình yêu thương và thừa nhận con người thật của mình một cách đầy đủ. Chắc chắn đến một thời điểm khi cảm giác an toàn, tin tưởng ở bản thân đã đủ đầy, trẻ sẽ thể hiện nó ra.
3. Hãy luôn làm mẫu, hướng dẫn cách làm cho trẻ
Bên cạnh việc thừa nhận và chấp nhận những điểm yếu của con, bố mẹ cũng nên dạy cho con những kỹ năng mềm cần thiết để con dễ dàng hoà nhập và tự lập.
- Nếu bạn muốn con chào hỏi, đầu tiên bạn hãy kiên trì làm mẫu cho con trước.
- Nếu con trả lời lí nhí, bạn hãy ghé sát tai lại gần con một chút để nghe, rồi động viên “Con đã làm tốt lắm. Lần sau mình cố gắng chào to hơn nữa con nhé”.
- Nên giúp trẻ chuẩn bị tâm lý bằng cách thông báo trước cho trẻ rằng mình sẽ đi đâu, mình sắp gặp ai,… Nhiều khi trẻ nhút nhát chính là vì sự bất ngờ, không hề được bố mẹ trao đổi trước về nơi mình đến, người mình gặp, và mình phải làm gì.
Người lớn cũng nên chào hỏi trẻ trước, để làm gương thay vì đợi/bắt trẻ phải chào mình trước và chê bai phán xét trẻ. Bố mẹ đừng vì lời nhận xét của người khác mà quay lưng lại với con mình.
4. Tạo thói quen giúp con tự tin trong giao tiếp
Trẻ con ở nhà hoạt ngôn là bởi vì ở nhà con đã quen môi trường đó. Còn ra chỗ đông người con gặp toàn người lạ, có sự lệch nhau nên con nhút nhát là điều hiển nhiên. Vậy nên bố mẹ cần phải giúp con được rèn luyện mỗi ngày để con có cơ hội giao tiếp tự tin và khích lệ con mỗi khi con làm được.
Ví dụ như:
- Khi đi siêu thị, bố mẹ có thể nhờ con tìm một món đồ, nếu con tìm không ra có thể gợi ý cho con đi hỏi cô nhân viên về món hàng con muốn tìm. Nếu con chưa dám hỏi thì mẹ có thể cùng con đến chỗ nhân viên rồi làm mẫu cho con xem. Để từ đó con học được cách nói cũng như cách xử lý tình huống.
- Hoặc khi đi ăn ở quán, sau khi bố mẹ đã gọi xong món ăn của mình, hãy cho phép con được tự gọi món với nhân viên nhà hàng: “Con muốn ăn bún hay phở nào?
- Con nói với cô để cô bưng ra cho con nhé!”. Và khi nhận được món ăn, bố mẹ cũng chủ động nói lời cám ơn để bé học cách mạnh dạn nói lời cám ơn với mọi người.
- Hay khi đi bảo tàng, thăm quan… con rất thích đặt câu hỏi về những sự vật ở đó, nếu có những câu hỏi bố mẹ chưa có câu trả lời hãy gợi ý cho con tìm đến hướng dẫn viên ở nơi đây vì họ hiểu rõ nơi đây và họ sẽ cho con câu trả lời phù hợp.
Cứ sau mỗi lần con chủ động chào hỏi, trò chuyện… bố mẹ hãy xoa đầu khen ngợi và khích lệ con rằng con đã chủ động hỏi, giao tiếp rất tốt,… đây sẽ là nguồn động lực to lớn để giúp con tiến bộ. Vì những lời khen sẽ khiến não bộ tiết ra chất dopamine là một hormone hạnh phúc giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc và suy nghĩ tích cực.
5. Đừng bao giờ so sánh con mình với con người khác
Hầu hết các bố mẹ cảm thấy stress vì con nhút nhát đều xuất phát từ tâm lý so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Tại sao cũng tầm tuổi này con nhà người ta thì mạnh dạn tự tin, con mình thì nhút nhát.
Mỗi đứa trẻ có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Và sứ mệnh làm cha mẹ của chúng ta là nhìn ra được điểm mạnh và điểm yếu của con, để yêu con một cách vô điều kiện, để giúp con vượt qua những giới hạn của bản thân.
Đừng vì con bướng bỉnh, con chưa ngoan, con không giỏi như đứa trẻ khác mà so sánh và thất vọng vì con. Bởi vì con đến với chúng ta là một nhân duyên, con chỉ cần chúng ta làm bố mẹ và sứ mệnh của bố mẹ là hãy giúp con vượt qua những khiếm khuyết của bản thân con, phát huy những điểm mạnh của bản thân để toả sáng theo cách riêng, hay nói cách khác, đó chính là giúp con đi tìm sứ mệnh của cuộc đời con.
Chúng mình tin đó là cách mà đứa trẻ cần ở người làm cha mẹ là chúng ta.