“Tại sao con mình cứ thích ném đồ?”
Nếu bạn đang có một đứa con ở độ tuổi mới biết đi, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ ngừng hỏi câu này. Và dưới đây là một vài điều giúp ba mẹ có thể hiểu thêm về niềm đam mê “ném đồ” của con:
“Ném” là hành vi hoàn toàn bình thường của trẻ mới biết đi. Khi con bắt đầu ném chính là lúc con khám phá ra “sự rơi”, con bất ngờ về điều đó và con muốn biết kết quả của việc ném một đồ vật gì đó đi thì sẽ như thế nào? Nhưng cũng không thể vì thế mà con muốn ném gì cũng được, ta cần đưa ra các giải pháp thay thế cho hành động ném của con, chẳng hạn như “tự do trong giới hạn”.
Thay vì ngăn cản hãy giúp con hiểu. Hãy đưa cho con một vài sự lựa chọn cho phép con tiếp tục khám phá kỹ năng ném trong giới hạn an toàn và tôn trọng đồ vật: “Con muốn ném đồ phải không? Nhưng đồ chơi này mục đích không phải để ném, nếu con ném chúng sẽ bị hư và con sẽ không chơi được nữa, con có thể ném quả bóng này”.
Trẻ ở độ tuổi mới biết đi luôn thích nói “không” và làm những điều mà chúng ta bảo con không được làm. Nếu con không quan tâm đến các lựa chọn thay thế mà ba
mẹ gợi ý, bạn có thể nói “món này mục đích là để chơi không phải để ném nên mẹ sẽ cất món đồ này đi nếu như con còn ném nó”, và chúng ta cần nhất quán giữa hành
động và lời nói vì con đang muốn thử thái độ của ta.
Khi con thể hiện sự thất vọng thông qua la hét, khóc, ném hoặc đánh, hãy thể hiện sự đồng cảm của bạn với con, hãy nói cho con biết kết quả của việc ném và đưa cho con sự lựa chọn phù hợp: “Mẹ biết là con đang rất muốn ném đồ chơi này, nhưng nếu con ném đi chúng sẽ bị bể, sau này con sẽ không chơi được nữa như vậy con sẽ rất buồn đúng không? Mẹ nghĩ quả bóng nhựa này sẽ thích được con ném đi hơn nè. Con có muốn ra sân chơi ném bóng cùng mẹ không?”.
Tóm lại, độ tuổi này con đang muốn được được thừa nhận, được nghe những gì con có thể làm hơn là sự cấm cản “không” và “không”. Hãy cho con biết nơi được phép ném, đồ vật được phép ném,… việc được lựa chọn sẽ là một cách hữu ích để con cảm thấy bản thân không bị ngăn cấm và con cũng không bị mất sự kỷ luật. Chỉ khi được thõa mãn sự tò mò thì con mới cảm thấy được thư giãn, tập trung tốt hơn vào việc sử dụng vì con đã khám phá “ném” xong rồi.