PHẦN 3.8. LƯU Ý KHI HỖ TRỢ EM BÉ 12-15 THÁNG TUỔI CHƠI THEO MONTESSORI

Mặc dù hơi vỡ mộng nhưng sự thật phần lớn em bé sẽ chẳng chơi như những gì chúng ta đã tưởng tượng. Nếu bé chỉ quan tâm đến một chi tiết nhỏ của đồ chơi thì vẫn không sao cả vì bé vẫn có hứng thú với chúng. Đồ chơi giai đoạn này mục tiêu chính là để bé rèn luyện kỹ năng vận động. Vậy thì em bé vẫn đang phát triển theo điều mà chúng ta mong chờ đó là sự khéo léo của đôi tay, sự tò mò khám phá và tư duy sáng tạo,…

Nếu bé sử dụng đồ không đúng mục đích nhưng cũng không làm hư hại hay làm đau ai, thay vì chỉnh bé ngay lúc đó, ta hãy lưu tâm để dạy lại bé cho lần hướng dẫn kế tiếp. Nếu chúng ta chen vào chỉnh ngay lúc đó có thể bé sẽ chẳng muốn tiếp nhận, thậm chí cáu gắt lại vì chúng ta đã phá vỡ sự tập trung của bé.

Ngoài ra, việc luôn chỉnh sửa bé theo ý người lớn sẽ dần tạo ra rào cản trong mối quan hệ giữa chúng ta và bé, khiến bé cảm thấy bị áp lực, không thoải mái trong việc học. Bé sẽ trở nên chán ghét mỗi khi thấy học cụ và không muốn hợp tác với người lớn.

Em bé chập chững rất dễ bị phân tâm, bé sẽ không biết nên nhìn mặt hay nhìn tay chúng ta khi được hướng dẫn. Vì vậy, nguyên tắc trong Montessori chính là “Khi làm thì không nói, khi nói thì không làm”, trước khi làm mẫu hãy khiến bé chú ý bằng câu: “Con nhìn mẹ làm nhé!” rồi dùng tay làm thật chậm rãi cho bé quan sát.

Về vị trí ngồi, hãy ngồi bên phía tay thuận của bé khi hướng dẫn. Việc này sẽ giúp tạo không khí thoải mái, bé ít bị áp lực. Tránh ngồi đối diện sẽ dễ tạo cảm giác căng thẳng, bé phân tâm. Ngoài ra, việc ngồi như vậy sẽ thuận thiện cho mẹ hỗ trợ và bé quan sát được thuận chiều.

Để tránh làm bé mất đi sự tập trung tạm thời, chúng ta sẽ chỉ tương tác khi thấy dấu hiệu bé muốn được tương tác hay khi bé đã hoàn thành hoạt động. Cách tương tác:

  • Thay vì những lời khen sáo rỗng, chúng ta hãy mô tả lại những gì chúng ta vừa quan sát thấy từ hoạt động của bé.
  • Nếu bé dừng lại không chơi tiếp, hãy hỏi bé có muốn thực hiện thêm lần nữa không.
  • Nếu bé không muốn chơi tiếp, hãy khuyến khích bé mang đi cất về chỗ cũ, ba mẹ có thể
  • làm mẫu để bé bắt chước và hãy để bé phụ một phần: “Con muốn mẹ cất giúp con à? Vậy mẹ sẽ mang cái này đi cất, còn con mang cái kia nhé”.
  • Nếu bé tập trung chơi mà không cất đồ chơi cũ đi, ba mẹ hãy đem đồ chơi cũ đi cất để làm gương cho bé.

1 tuổi là cột mốc bé dần có ý thức và bắt đầu làm chủ khả năng vận động của mình. Hãy khuyến khích bé tự lấy – tự chơi – tự cất (dưới sự quan sát của người lớn), điều này giúp bé thoải mái tinh thần, chủ động và độc lập hơn trên hành trình học tập và khôn lớn của mình.

“Đừng bao giờ giúp trẻ một nhiệm vụ mà mình cảm thấy trẻ có thể tự làm được.”

Điều này sẽ giúp bé:

  • Bé độc lập hơn, không bị ỷ lại, chờ đợi vào sự giúp đỡ từ người lớn.
  • Bé phát triển sự tự tin vào khả năng của bản thân.
  • Bé có phản xạ và cách xử lý tốt cho mọi tình huống.
  • Bé có sự chuẩn bị cho những thử thách khó hơn ở những lần sau.

Điều này sẽ giúp ba mẹ:

  • Thấy rõ cách bé tư duy, vận động, phối hợp các kỹ năng, xử lý tình huống,…
  • Ba mẹ có thể ghi nhớ và so sánh sự phát triển của bé qua từng ngày. Nếu có kỹ năng nào chưa tốt hay có yếu tố nào từ môi trường không thuận lợi cho sự phát triển của bé, ba mẹ cũng dễ dàng nhận thấy và tìm ra cách để hỗ trợ bé tốt hơn.
  • Ba mẹ cũng kịp thời nắm bắt những điều mà bé đang tò mò, yêu thích. Từ đó, nuôi dưỡng lòng ham học, muốn khám phá về thế giới xung quanh của bé.
No products in the cart.