Mình sẽ chỉ ra những quan niệm sai lầm thường thấy về Montessori tại nhà trong những năm đầu đời, mình chỉ ra những quan niệm sai lầm này bởi vì mình thấy phụ huynh thường bỏ qua Montessori vì một số lầm tường không đúng đắn. Mình hoàn toàn tin rằng mỗi ba mẹ sẽ chọn một triết lý phù hợp để dạy dỗ con cái của mình, nhưng mình tin rằng dù chọn triết lý và phương pháp nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng nên có thông tin chính xác về sự lựa chọn đó. Mình hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp làm sáng tỏ những vấn đề bị “hiểu lầm” về Montessori trong những năm đầu đời.
1. Trẻ em hoàn toàn tự do.
Sự độc lập chính là cột mốc quan trọng của Montessori. Việc cung cấp cho trẻ ở độ tuổi nhỏ nhất những sự lựa chọn và khiến mọi thứ trong ngôi nhà của chúng ta dễ dàng tiếp cận (sử dụng) với trẻ sẽ thúc đẩy khả năng tự lập, sự tự tin và tạo động lực cho trẻ làm việc. Tuy nhiên, chúng ta nên cho trẻ sự độc lập trong một ranh giới rõ ràng và an toàn theo cách phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Chúng ta gọi đó là sự tự do trong giới hạn cho phép. Mình thường đưa ra những lựa chọn và cũng như là giới hạn rõ ràng. Trẻ nhỏ muốn được biết rằng người lớn đang trông chừng trẻ và môi trường của trẻ hoàn toàn an toàn. Khi trẻ nhận được những thông điệp hỗn hợp về giới hạn của mình, trẻ sẽ muốn thử để xem cái gì được phép và cái gì không được phép cho tới khi trẻ tự cảm nhận được giới hạn của bản thân. Ví dụ: Việc trẻ ăn bao nhiêu trong một bữa ăn là một sự tự do, khi trẻ ngồi xuống để ăn và người lớn quyết định rằng trẻ sẽ ăn món gì là một giới hạn. Việc lựa chọn đọc cuốn sách nào trước khi đi ngủ là sự tự do, việc chỉ được đọc 3 cuốn sách là một giới hạn. Chạy nhảy và chơi càng lớn tiếng theo cách trẻ muốn là sự tự do. Việc được chạy nhảy và chơi ở đâu chính là sự giới hạn (thường là ở những nơi rộng rãi, thoáng mát)
2. Kệ học cụ chính là phần quan trọng nhất của Montessori
Khi tìm hiểu trên mạng thì chúng ta có thể nhận thấy rằng các học cụ được sắp xếp trên kệ chính là sự tập trung chính của việc thực hành Montessori tại nhà. Kệ Montesori là một đồ vật quan trọng nhưng nó không phải là yếu tố quyết định.Yếu tố quan trọng nhất trong môi trường Montessori chính là BẠN/ NGƯỜI LỚN. Ba mẹ tự trang bị kiến thức về Montessori cho bản thân chính là bước quan trọng đầu tiên trong Montessori. Ngôn ngữ, hành động, cách ứng xử và cách nói chuyện của ba mẹ có tác động mạnh mẽ hơn bất cứ thứ gì.Montessori giúp trẻ học hỏi qua các giác quan, chuyển động và trên hết là học hỏi về thế giới tự nhiên tươi đẹp mà chúng ta đang sống. Môi trường học hỏi tốt nhất mà chúng ta có thể cho trẻ chính là môi trường sống tốt đẹp ở xung quanh chúng ta.
3. Trẻ nên ăn một mình?
Dù cho khuyến khích trẻ ở độ tuổi ăn dặm tự ăn trong một bàn ăn nhỏ của trẻ thì mình lại không hề khuyến khích việc để trẻ ăn 1 mình. Một chiếc bàn nhỏ sẽ khuyến khích sự tự lập của trẻ. Trong thời thơ ấu, trẻ sẽ ngồi ăn trên chiếc bàn ăn riêng với kích thước của trẻ và ba mẹ có thể ngồi dưới sàn hoặc ngồi ở một chiếc ghế nhỏ để ăn cùng trẻ. Những chiếc ghế ăn dặm có chiều cao vừa với bàn ăn gia đình cũng là một sự lựa chọn tuyệt vời để trẻ có thể cùng ăn với gia đình. Tương tự như việc ăn, đúng là mình nên khuyến khích trẻ chơi một cách độc lập vì khi trẻ chơi độc lập, trẻ sẽ được luyện tập được sự tập trung, giải quyết vấn đề, tăng khả năng sáng tạo và tự đáp ứng được sự thích thú của trẻ. Tuy nhiên, chúng ta nên luôn cân bằng giữa việc cho trẻ chơi 1 mình và ba mẹ chơi với trẻ. Chúng ta nên ngồi cạnh trẻ khi trẻ tự mình khám phá các món đồ chơi và chúng ta chỉ nói chuyện với trẻ khi trẻ muốn tìm kiếm sự phản hồi, hoặc đơn giản là trẻ đang muốn nói chuyện với chúng ta. Chúng ta cũng nên dành thời gian chất lượng hơn cho trẻ trong những lúc chuyển đổi, ví dụ như khi thay tã hoặc cho trẻ đi vệ sinh, thay đồ, chuẩn bị đồ ăn và dọn dẹp lại phòng. Tuy nhiên mọi thứ không phải lúc nào cũng theo ý mình muốn, Montessori chủ yếu là sự liên kết và tập trung.
4. Trẻ không được chơi đồ chơi tưởng tượng (không có thật).
Việc tưởng tượng là một việc không được khuyến khích ở những năm đầu đời, nhưng lại chưa đúng lắm khi nói rằng chơi đồ chơi tưởng tượng cũng không được phép.Lý do duy nhất mà chúng ta cảm thấy rằng việc chơi tưởng tượng không được khuyến khích bởi vì tầm quan trọng của thực tế so với tưởng tượng. Montessori thường khuyến khích trẻ với hoạt động thực tế, dạy cho trẻ về thế giới mà trẻ đang sống và cũng như đầy sự trải nghiệm cảm quan. Khi trẻ đọc những cuốn sách miêu tả về những địa điểm, con người và động vật có thật, trẻ sẽ phát triển sự nhận thức với thế giới hơn. Những cuốn sách được dựa trên thực tế sẽ giúp giải thích về thế giới rộng lớn mà chúng ta đang sống cùng trẻ. Sau khi có đủ trải nghiệm về thế giới thật, trẻ sẽ tự mình tạo ra những quang cảnh, trẻ sẽ bắt chước lại những cảnh mà trẻ thấy trong thế giới thật và trong sách của chúng để chơi với các đồ vật tưởng tượng. Chơi tưởng tượng sẽ giúp trẻ trải qua những trải nghiệm mới và thử những điều mới mẻ. Khi chúng ta cung cấp cho trẻ tất cả những gì mà thế giới thật có, khả năng chơi tưởng tượng của trẻ sẽ trở nên phong phú và vui vẻ hơn. Đôi khi việc chơi tưởng tượng chỉ đơn giản là chơi với những căn nhà búp bê, siêu nhân và đôi khi lại là việc trẻ sử dụng những giáo cụ có sẵn trên kệ theo một cách sáng tạo.
5. Trẻ học theo phương pháp Montessori không hòa đồng.Sự thật là theo phương pháp Montessori, trẻ thường không bị bắt buộc phải chia sẻ, cũng như không bị bắt buộc phải chơi với những đứa trẻ khác. Đúng hơn là, chúng ta sẽ để trẻ quyết định liệu trẻ muốn chơi 1 mình hay chơi với các bạn khác. Trong lớp học Montessori luôn luôn có cơ hội cho cả 2 quyết định đó. Chúng ta cho trẻ cơ hội tự hợp tác và giải quyết xung đột. Thông thường mọi người sẽ bàn về khía cạnh xã hội khi trẻ em đang ở giai đoạn trẻ biết đi. Trẻ biết đi chưa phải là một thành viên chính thức của xã hội. Mặc dù trẻ mới biết đi thích được ở cùng mọi người, đặc biệt là các thành viên trong gia đình, nhưng chúng chủ yếu tham gia vào trò chơi song song, chơi bên cạnh chứ không phải là chơi với bạn bè cùng trang lứa. Chỉ cho đến khi 4 tuổi hoặc lâu hơn, trẻ mới biết chia sẻ, hiểu về chia sẻ và tự bản thân trẻ sẽ hoà đồng với các bạn một cách rất tự nhiên. Hiểu sâu được đặc điểm của tính xã hội và giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ, chúng ta sẽ điều chỉnh được kỳ vọng về tính xã hội của trẻ và để trẻ tự chủ.
6. Trẻ em buộc phải làm việc nhà.Đôi khi mọi người thấy trẻ lau cửa sổ hay một đứa trẻ 3 tuổi đang lau nhà và nghĩ rằng việc này là bắt buộc trẻ phải làm. Việc nhà không phải là một sự bắt buộc mà là một sự tự nguyện đến từ nội tại của trẻ. Nói chính xác hơn, dọn dẹp là một việc mà người lớn sẽ làm mẫu cho trẻ và tự biến nó thành việc làm hằng ngày. Đó thực sự là một điều mà trẻ em muốn được làm. Trong Montessori, những em bé nhỏ nhất cũng được đề nghị tham gia các việc làm hằng ngày của mình. Trẻ sẽ cảm thấy được trân trọng và có ích khi chúng được tham gia vào những việc quan trọng này.Khi trẻ tới độ tuổi mẫu giáo (từ 2,5 tuổi), trẻ được khuyến khích tự dọn dẹp đồ chúng bày ra. Ví dụ: khi mình làm đổ nước, mình sẽ lau đi. Mục tiêu của việc này không phải để trẻ em giữ sạch sẽ mà là trẻ thấm nhuần việc chịu trách nhiệm cá nhân. Để ý đến môi trường chung và học cách làm việc cùng nhau như một gia đình hoặc một cộng đồng. Mình nên tự làm mẫu việc này và giúp đỡ những người khác nếu cần.
Mình hy vọng rằng bài viết này đã giúp phụ huynh hiểu được những quan niệm sai lầm về Montessori tại nhà trong những năm đầu đời. Montessori sẽ khác nhau ở từng ngôi nhà và từng gia đình. Hãy tìm hiểu cách nào là tốt nhất cho con bạn!
Theo Montessoriinreallife.
Dịch bởi Mota Montessori team