THIÊN TÀI KHÔNG SINH RA Ở TRƯỜNG LỚP, MÀ ĐƯỢC ƯƠM MẦM CHÍNH TỪ… TRONG NHÀ.
Trong tiếng Anh, từ genius – thiên tài – vốn bắt nguồn từ tiếng Latin và Hy Lạp, lại có nghĩa là: được sinh ra. Người xưa tin rằng đứa trẻ nào sinh ra cũng đều mang trong mình khả năng và tố chất để thành “Thiên Tài” theo cách riêng của nó. Chỉ cần nó được phát triển tốt và có cảm hứng để theo đuổi điều mình đam mê.
Trong công cuộc “chạy đua” với sự học ngày nay, không ít người lớn nghĩ rằng cứ phải kiếm những môi trường và thầy cô tốt nhất thì mới có thể giúp đứa trẻ thành… “thiên tài”. Các yếu tố này tất nhiên có một phần đóng góp không ít cho những “thiên tài”.
Nhưng nói không ngoa, có lẽ chúng khó mà “so bì” được với những yếu tố khác mà nhiều bố mẹ có lẽ đã vô tình bỏ quên, hoặc có phần xem nhẹ. Trường lớp không quan trọng bằng gia đình, và thầy cô dẫu có giỏi cũng không tác động đến đứa trẻ bằng bố mẹ chúng, cả chiều hướng tốt lẫn xấu.
Có thành “thiên tài” hay không, và “thiên tài” có hạnh phúc hay không, có lẽ phần lớn đều sẽ bắt đầu, tiếp tục và kết thúc sẽ “nở hoa” hay là “bế tắc”, từ chính gia đình và bố mẹ, chứ không phải trường lớp và thầy cô.
THIÊN TÀI KHÔNG SINH RA Ở TRƯỜNG LỚP. Từ cách ăn nói, cư xử, hành vi và thái độ, đứa trẻ bắt chước đầu tiên từ cha mẹ, trước khi nhận sự giáo huấn của nhà trường. Cha mẹ hống hách, nóng vội, xấu bụng thì đứa con rất khó thành người khiêm tốn, nhẫn nại, và tử tế. Cha mẹ nhẹ nhàng, nhìn sâu, tử tế thì đứa con cũng dễ có nguồn cảm hứng và tấm gương để thành Tài và thành Nhân, dẫu trường lớp, thầy cô của chúng chưa chắc đã đắt tiền, xịn sò.
Khá nhiều cha mẹ ngày nay vì lý do kinh tế hay hoàn cảnh cá nhân mà ít gặp mặt con. Sống chung nhà mà mỗi ngày cha mẹ chỉ gặp con được vài ba tiếng, có khi cả tuần mới có được một hai bữa cơm chung. Gặp con rồi thì có khi mỗi người ôm một cái máy mà bấm bấm, chuyện ai nấy lo, sở thích ai người đó mải miết. Như vậy làm sao con trẻ thấm sâu được văn hóa gia đình? Thiếu nền tảng từ gia đình, trẻ rất dễ bị lây nhiễm những ứng xử tạp nham bên ngoài.
Trong lúc theo game, lượn net, tán chuyện ngoài quán xá, lân la vô số ngóc ngách trên Facebook, tụi nhỏ cứ như một cái bọt biển thấm nước, vô thức thâu gom một đống văn hóa tạp nham, bao gồm nhiều thứ độc hại và phi giáo dục.
Trong khi đó, giờ đây, không ít người được xã hội cho là thành đạt, là thần tượng, là người nổi tiếng từ hội thảo này sang diễn đàn nọ, nhưng hễ thích là họ “lỡ lời” văng tục dưới mọi hình thức, lộ liễu công khai hoặc “nháy nháy” trên Facebook. Vậy thì đừng bảo sao chúng ta đang không vô tình tiếp tay… làm hư tụi nhỏ.
Với nền tảng giáo dục gia đình lỏng lẻo và xu hướng biếng lười tràn lan như một đại dịch ngầm trên mạng, không quá lời khi cho rằng tất cả đang góp phần tạo ra một thế hệ đốt nhiều thời gian để lướt net hơn là đọc sách, viết lách, làm điều tử tế và sống tốt.
Cũng vì vậy, lũ trẻ càng dễ dàng bỏ qua hoặc quên hẳn tính chuyên cần – một đức tính có sức mạnh quyết định nhất đến sự giàu có, sức khỏe và hạnh phúc của con người.
THIÊN TÀI KHÔNG SINH RA Ở TRƯỜNG LỚP. Nhiều đứa trẻ ngày nay khi sinh ra thì cái gì cũng đã có sẵn, và chúng ít được dạy dỗ là mọi thứ bền vững có được trong đời đều phải do lao động bền bỉ mà ra; còn những thứ được tặng, được cho thì trước sau gì cũng dễ lụi tàn nếu bản thân không biết cách giữ gìn, phát huy. Vì thế mà nhiều phụ huynh đã vô tình dạy cho con tính lười biếng và không phân biệt được sự thích thú với niềm hạnh phúc.
Chúng thích ôm trò chơi điện tử, ngốn đồ ăn nhanh, tán chuyện thả ga với bạn bè, triền miên xem phim và nghe nhạc, ăn vận quần áo đẹp,… mà không hiểu rằng tất cả những cái thích kiểu bề ngoài này chỉ có giá trị tức thời. Những điều đó không phải và không bao giờ là hạnh phúc bền vững, sâu sắc mà chúng cần có trong đời.
Trong khi đó, hạnh phúc thật sự đến từ việc bền bỉ theo đuổi và hiện thức hóa tiềm năng của mỗi người. Vì vậy, cha mẹ cần dạy cho con trẻ đi tìm những niềm vui vượt ra khỏi bánh kẹo, đồ chơi, điện tử, quần áo, mạng xã hội. Trẻ cần chuyên tâm xây dựng năng lực bản thân – đọc sách, viết lách, lao động, làm việc thiện nguyện,… – để sau này chúng đủ năng lực tự đi tìm đam mê.
Hãy tạo ra khoảng không và thời gian để con trẻ im lặng, chú tâm, phản chiếu.
Hãy dành thời gian cho gia đình và miệt mài, bền bỉ dạy con cách đối nhân xử thế, dù chúng đang ở độ tuổi nào.
Hãy kỷ luật trong sự bao dung, để chúng biết mỗi thái độ nghiêm nghị hay vòng tay ôm ấp của cha mẹ đều có ý nghĩa sâu sắc bên trong, tất cả là vì chúng.
Yêu thương lan tỏa từ trái tim đến trái tim, diễn ra trong những tương tác bình dị mỗi ngày của cha mẹ với con cái ở nhà; chứ không phải giữa cha mẹ và bạn bè của cha mẹ trên mạng xã hội, trong quán cà phê. Ở những nơi đó, có thể ai cũng đang luyên thuyên bàn tán không ngớt về đám trẻ, trong khi lẽ ra họ nên dành thời gian để trò chuyện và sống cùng con trẻ.
Những đứa trẻ của chúng ta – những con người bằng xương bằng thịt – không sống trên Facebook đâu. Chúng đang ở nhà và chờ đợi cha mẹ kết nối, trò chuyện về những điều chúng chưa biết và chưa hiểu, về cuộc sống và thế giới này, về quá khứ, hiện tại và tương lai, về cha mẹ và về bản thân chúng.
Tiếp xúc nhiều với những giá trị ảo mà không có giá trị nền vững chắc, nhân cách con người dễ dàng biến đổi theo hướng dễ dãi và ảo tưởng. Do đó mục tiêu của giáo dục ở nhà – và cũng như ở trường – là dạy tụi nhỏ chuẩn bị cho cuộc sống thực tế.
Lũ trẻ cần được dạy về ý nghĩa cuộc sống, để hiểu rằng hạnh phúc cần cái nhìn sâu sắc hơn là quần áo, máy tính, xe cộ, khách sạn, nhà hàng, tiền bạc, danh vọng, hay số bạn bè trên Facebook.
Nếu chúng ta buông lỏng tụi nhỏ trong kỷ nguyên số này và không dạy cho chúng biết về ý nghĩa thật sự của cuộc đời, thì điều chúng lượm nhặt và tích tụ được là thông tin hỗn tạp của Internet, của mạng xã hội, của trò chơi điện tử.
Chúng sẽ thiếu một hệ giá trị chắc chắn, nhất quán làm trục tọa độ để soi rọi hành vi, thái độ và lối sống của chính mình, và từ đó biết được đâu mới là con đường mình cần đi, đâu mới là thước đo thành công, đâu là thang hạnh phúc thật sự cho riêng mình.
Những đứa trẻ được nuôi dưỡng cội rễ ấy, dù khởi đầu có chậm, nhưng cũng sẽ chạm được hai chữ “Thiên Tài” theo một cách hiểu rất khác so với người đời thường hay ngộ nhận.
Nguồn: anh Hiếu Nguyễn.
Link facebook của anh Hiếu hiện trang không còn tồn tại nên mình không share lên đây được ạ.