Ba mẹ đừng gấp nhé, con vẫn đang cố gắng từng ngày

PHẦN 1.3: BA MẸ ĐỪNG GẤP NHÉ, CON VẪN ĐANG CỐ GẮNG TỪNG NGÀY

Khi xem các bài viết về cột mốc phát triển của bé, có lẽ phần lớn các mẹ sẽ có cảm giác hụt hẫng chỉ vì lo lắng kỹ năng của con vẫn chưa được như trong các bài viết trên mạng nói. Rồi mẹ lại mệt mỏi và tự tạo áp lực vô hình lên chính mình, áp lực lên cả sự phát triển của con. Thật ra, sự phát triển của bé không diễn ra chính xác theo từng tháng cho mỗi cột mốc, bởi mỗi bé là một cá thể độc lập, ở môi trường khác nhau các em bé sẽ có khả năng hấp thụ và phát triển khác nhau.

Những cột mốc phát triển vận động thô như: 3 tháng biết lật, 7 tháng biết bò, 9 tháng biết đi chỉ là những ước tính, không thể dùng làm thước đo cho sự tiến bộ của bé.

Tuy nhiên, ở mỗi cột mốc này, nếu ba mẹ để ý quan sát sẽ thấy rằng bé vẫn đang phát triển mỗi ngày chỉ là nó quá nhỏ, nếu không quan sát để ý tới thì sẽ dễ bỏ qua. Giống như sự phát triển của một cái cây, mặc dù ngày nào ta cũng thấy nó như thế, nhưng thực tế nó vẫn đang phát triển hơn mỗi ngày: cao hơn 5mm, tán lá to hơn, chồi non đang ra,… nếu chúng ta bón đủ phân, cấp đủ nước. Tương tự, mẹ có thể cung cấp cho bé công cụ phù hợp để kích thích bé luyện tập, hỗ trợ cho quá trình phát triển này diễn ra dễ dàng hơn.

Hệ quả của việc “thúc đẩy” bé phát triển và trách nhiệm của chúng ta

Việc gấp gáp giúp bé phát triển sớm rồi bỏ giai đoạn sẽ chẳng đem lại lợi ích gì mà còn dễ có nguy cơ gây tổn thương đến thể chất lẫn sự phát triển não bộ của bé. Ví dụ: bé đang tập nâng cao đầu để trườn, chúng ta đã mua ghế cho bé tập ngồi như vậy sẽ ảnh hưởng đến cơ cổ vì bé chưa thể giữ vững đầu, xương sống và đặc biệt là vùng xương chậu dễ bị biến dạng. Ngoài ra, việc giúp bé quá nhiều sẽ tạo cho bé cảm giác bất lực, bé nghĩ bản thân mình không làm được gì cả nên người lớn phải giúp và từ đó hình thành suy nghĩ mọi hoạt động của bé phải có người lớn trợ giúp.

Trách nhiệm của người lớn là quan sát, không can thiệp (nếu điều đó không de dọa đến sự an toàn của bé) và đảm bảo an toàn cho khu vực bé vân động cũng như chuẩn bị môi trường thuận lợi cho sự phát triển của bé.

Việc tôn trọng sự phát triển tự nhiên của bé sẽ mang lại cảm giác an toàn, khi đó bé sẽ “học” một cách tự nhiên và có cảm giác thỏa mãn, tự tin với những gì đã học được, từ đó bé tự tạo ra động lực để tiếp tục khám phá.

Và thay vì áp lực với các bảng số trên mạng thì việc chúng ta quan sát ghi chú lại và so sánh sự phát triển của bé giữa tháng này với tháng trước sẽ có ý nghĩa hơn nhiều, mẹ còn có thể tận dụng chúng làm quyển nhật ký lớn khôn của bé.


No products in the cart.