Bài viết được dựa trên nghiên cứu khoa học dưới góc nhìn Montessori, hi vọng sẽ giúp ba mẹ có cái nhìn đa chiều hơn trong việc chăm sóc bé!
CŨI QUÂY CHƠI
Nếu nhìn lại một lượt xung quanh ngôi nhà, có thể ba mẹ sẽ nhận ra một sự thật là hầu hết mọi chỗ đều đang là không gian và đồ dùng cho người lớn sử dụng. Và không có mấy chỗ an toàn và thuận lợi cho bé chơi tự do. Để thuận lợi hơn, ba mẹ chọn cách mua những chiếc cũi chơi và cho bé vào đó như một cách bảo vệ bé khỏi những nguy hiểm xung quanh từ đồ dùng của người lớn. Điều này đang đó ảnh hưởng gì tới sự phát triển và tâm lý của trẻ không nhỉ? Thực ra là có đấy.
Những cái cũi, quây chơi này được tạo ra với chức năng chính là rào cản và bảo vệ trẻ trong không gian an toàn nhất có thể. Tuy nhiên, khi nhìn góc độ rộng hơn chính quây chơi đã phần nào hạn chế bé kết nối với môi trường và không gian xung quanh, ngăn cản khao khát được khám phá, vận động, di chuyển trong chính ngôi nhà của mình.
- Theo quan sát, những bé thường xuyên ở trong cũi quây chơi có xu hướng:
- Thụ động chờ mọi người bảo làm gì thì làm
- Thường xuyên đứng vịn thành quây, khóc và gào thét chờ đợi ba mẹ đưa ra ngoài
- Hiếu động hơn mức bình thường, luôn cố gắng trèo ra bất cứ khi nào có thể.
Việc ba mẹ lo lắng rằng, nếu không dùng quây thì có nhiều thứ trong nhà có thể sẽ gây nguy hiểm ảnh hưởng đến bé là đúng, vì em bé của chúng ta là những thiên thần nhỏ và chưa có khả năng tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, bé sẽ tự tin, phát triển chỉ khi được sờ, được chạm, được quan sát, được lắng nghe, được thử và được lặp lại… Nếu lúc nào chúng ta cũng nhốt bé vào chiếc quây chơi thì em bé của chúng ta sẽ trở nên rụt rè, nhút nhát, không tự tin khám phá kể cả khi ở trong chính ngôi nhà của mình. Vì vậy, chúng ta có thể cải thiện bằng cách dùng chính những chiếc quây này rào những chỗ nguy hiểm trong nhà lại thay vì rào trẻ lại!