Ti giả chỉ là một giải pháp ngắn hạn
Hầu hết các nhà giáo dục Montessori không khuyến khích việc sử dụng ti giả cho bé bởi khi ngậm chúng em bé sẽ không thể truyền tải nhu cầu của mình. Dĩ nhiên việc cho bé ngậm ti giả sẽ giúp bé được xoa dịu tinh thần khi bị khó chịu, nhưng lời khuyên chân thành là ba mẹ hãy chỉ sử dụng trong lúc đó (bé khó chịu khóc gắt ngủ) và tránh lạm dụng ti giả.
- Ti giả cản trở quá trình phát triển ngôn ngữ, bé không thể bập bẹ hay tạo ra âm thanh gì khi trong miệng ngậm một thứ gì đó. Thậm chí, ti giả như một bằng chứng khiến bé nghĩ rằng chúng ta không muốn nghe bé nói.
- Ngậm ti giả lâu dễ khiến bé có thói quen luôn muốn ngậm 1 thứ gì đó trong miệng để thỏa mãn cảm giác, và đến thời gian cai ti giả sẽ khiến bé bị khủng hoảng. Nếu không sử dụng ti giả, ba mẹ có thể thử một vài cách giúp bé thư giãn hơn:
- Cho bé ôm chặt một thứ gì đó (cơ thể ba mẹ, đồ chơi mềm, gối của bé)
- Đồ chơi gặm nướu, nắm bóp được
- Massage sâu hoặc xoa nhẹ lưng bé thật chậm rãi
- Khi bé lớn hơn có thể cho bé sử dụng bình với ống hút
Thời trang cho bé
Mục đích của quần áo là để bảo vệ cơ thể bé, giúp bé luôn thoải mái vận động trong mọi tình huống. Tuy nhiên, đôi khi vì quá yêu thương và lo sợ bé không đủ an toàn mà chúng ta vô tình biến những bộ đồ trở nên dày dặn hơn và bọc lại gần như cả cơ thể của bé. Chính vì những điều đó đã cản trợ sự phát triển vận động tự do của bé.
Việc lựa chọn thời trang cho bé cần phù hợp thời điểm, phù hợp mục đích và phù hợp bé.
Nhất là trong giai đoạn phát triển vận động thô: lẫy, lật, trườn… quần áo cần tạo sự thoải mái cho bé vận động. Nếu bé bị bó chặt trong bộ đồ thời trang sẽ vô cùng khó khăn trong việc vận động tay chân và cảm nhận thế giới xung quanh mình, bé không tự tin vận động, cũng chẳng muốn tận hưởng thiên nhiên bên ngoài. Hãy chọn cho bé những bộ quần áo thoải mái, hạn chế những nút buộc và trang trí không cần thiết, không có chỉ/ vải thừa. Hãy giúp đầu gối và bàn chân bé được tự do nhất có thể, điều này sẽ cho bé cơ hội vận động tối đa và dễ dàng kết nối với môi trường hơn.
Ghế tập ngồi
Hiện nay, để bé biết ngồi nhanh nhiều gia đình đã chọn ngay những chiếc ghế tập ngồi như này với một mục đích đơn giản giúp bé cân bằng cơ thể khi ngồi không bị nghiêng ngã. Tuy nhiên, khi nhìn lại chúng ta thấy rằng bé như đang bị trói vào ghế với nhiều ảnh hưởng không ngờ như:
- Khi bé chưa chuẩn bị sẵn sàng cơ thể vật lý và tâm lý để ngồi, việc đặt bé vào ghế tập ngồi sẽ làm thay đổi cấu trúc xương, gây ảnh hưởng đến dáng ngồi và đi sau này của bé.
- Ghế hạn chế sự chuyển động của bé, khiến các cơ bắp được luyện tập trong trạng thái thụ động gây ảnh hưởng lớn đến các kỹ năng vận động bò, đi,… sau này.
Trải qua thời gian dài luyện tập bé mới có thể tự ngồi vững độc lập.
Từ 3-4 tháng, hãy khuyến khích cho bé nằm sấp và khám phá điều này sẽ giúp bé rèn luyện khớp cổ cứng cáp để ngẩng cao đầu, tập cánh tay chắc khỏe để giữ và nâng cao ngực. Đến khi được 5-6 tháng tuổi bé mới có đủ sức mạnh dùng tay đẩy cơ thể lên để ngồi. Ban đầu, bé chỉ có thể tự ngồi trong chốc lát. Tuy nhiên, bé sẽ nhanh chóng tự tìm cách cân bằng cho cơ thể khi ngồi bằng cách hơi đổ người phía trước với một/ hai tay chống xuống đất. Điều này sẽ giúp bé ngồi lâu mà không bị ngã.