Chúng ta học được nhiều điều từ những sai lầm mà chúng ta mắc phải hơn là những lời khen, kết quả tốt đẹp luôn vây quanh. Điều này đặc biệt đúng đối với những đứa trẻ đang trong quá trình tìm kiếm giới hạn và làm chủ bản thân. Vậy khi con phạm lỗi, chúng ta nên làm gì?
Đừng nghiêm trọng hóa những sai lầm.
Sai chính là cơ hội để học. Con vốn dĩ không thể kiểm soát được những gì con làm hay cách cư xử đúng ở ngay lần đầu tiên, con cần thời gian để trau dồi, học hỏi và hoàn thiện. Và nếu như tình yêu của ba mẹ bị phụ thuộc vào sự đúng sai, những việc con làm và cách cư xử thì con sẽ cảm thấy không được an toàn, con sẽ luôn nơm nớp lo sợ mình không làm đúng, dẫn đến mất sự tự tin, ham học hỏi vốn có của một đứa trẻ.
Ví dụ: Nếu con gọi sai tên một vật, chúng ta hãy ghi nhớ điều đó rằng con vẫn chưa biết tên vật ấy và có thể mượn một thời điểm khác để dạy con, vì lúc đó con sẽ sẵn sàng tiếp nhận hơn. Tránh “sửa lưng” con ngay tại chỗ vì chẳng ai thích điều đó kể cả người lớn.
Hãy cho con thấy thái độ tích cực của bạn với những sai lầm của con.
Hãy chấp nhận rằng con vẫn đang quá trình học hỏi. Nếu chúng ta cứ tập trung vào cái sai, con sẽ không bao giờ muốn làm lại nữa.
Ví dụ: Khi con giúp bạn rửa chén và vô tình làm vỡ nó, lúc này con đang rất căng thẳng. Thay vì chú ý cái chén vỡ, ba mẹ hãy quan sát con trước xem con ổn không, khi con đã bình tĩnh hãy giúp con học cách đối diện và sửa lỗi: “Cái chén vỡ rồi, mảnh vỡ rất nguy hiểm, chúng ta cần mang bao tay và lấy chổi để dọn dẹp nó!”.
Sự thật là, con luôn quan sát thái độ của chúng ta mỗi khi mắc lỗi, con muốn tìm kiếm sự đồng cảm. Nếu bạn cư xử bằng sự kiên nhẫn thì con sẽ cảm thấy bản thân luôn được ba mẹ chấp nhận, yêu thương, con dám dũng cảm chia sẻ với ba mẹ, đối diện cái sai và tự sửa lỗi. Nhưng nếu bạn khó chịu, trách phạt con chỉ vì muốn con nhớ cái sai mà tránh thì con sẽ luôn ở trong trạng thái lo sợ, không dám làm gì, thậm chí là dấu diếm lỗi, nói dối,…
Đừng làm giúp con.
Sẽ rất khó khăn khi bạn phải đứng nhìn con vật lộn để làm một điều gì đó vô cùng đơn giản, nếu bạn làm một cái là xong ngay. Hãy dừng suy nghĩ đó lại ngay. Khi chúng ta làm giúp con, chúng ta đã vô tình gửi cho con một thông điệp rằng con không có khả năng làm việc đó và cứ thường xuyên như thế sẽ khiến con từ bỏ cố gắng của bản thân. Hãy kiên nhẫn vì con chỉ có thể làm tốt hơn sau mỗi lần nếu được tự làm.
Hãy cho con thời gian.
Sẽ cần rất nhiều thời gian để con hoàn thiện một công việc và không mắc bất kỳ lỗi nào. Hãy cho con thời gian được thử và sai. Thay vì cuống cuồng lên thì việc cho con thời gian sẽ giúp con học cách bình tĩnh đối diện với mọi khó khăn.