Trong Montessori, chúng ta thường nghe thấy cụm từ “Dõi theo trẻ”, nghĩa là chúng ta quan sát sự phát triển, nhu cầu và khả năng của từng đứa trẻ để hỗ trợ con. Và cho dù chúng ta có “dõi theo trẻ” thì chúng ta vẫn là người hỗ trợ trẻ chứ không phải để trẻ tự do không theo một giới hạn nào. Thay vì để trẻ bị bó buộc hay được tự do quá mức, chúng ta tạo trẻ trẻ sự tự do trong một giới hạn nhất định.

Bà Maria Montessori đã nói, “Để đứa trẻ làm theo ý thích khi trẻ chưa phát triển bất kỳ quyền kiểm soát nào là sự phản bội tự do”.
Vậy tự do trong giới hạn nghĩa là gì? Nó có nghĩa là đặt ra các nguyên tắc rõ ràng và trẻ được yêu cầu phải tuân thủ theo. Nó có nghĩa là một mối quan hệ an toàn, yêu thương và tin cậy giữa trẻ em và người lớn. Tự do trong giới hạn cũng có nghĩa là cho phép trẻ tự do lựa chọn yêu cầu phù hợp để trẻ tự làm chủ và độc lập. Ví dụ: Cung cấp sự tự do trong giới hạn mang lại sự cân bằng thoải mái cho trẻ bằng cách hạn chế số lượng đồ chơi và trưng bày từng món độc lập trên kệ để trẻ tự do lựa chọn chơi từng món một và cất món đó về chỗ cũ trước khi chơi món đồ chơi khác. Hoặc là dọn xong món này rồi con được chơi tiếp hoặc nếu con không dọn thì lần sau con sẽ không được chơi món nào cả.
Hay cho trẻ lựa chọn giữa những sự việc như: Ăn trước rồi chơi hay chơi xong rồi ăn? Yêu cầu đầu tiên trong việc thiết lập tự do chính là đặt ra các giới hạn, muốn có tự do thì giới hạn phải được đặt ra trước. Đặc biệt là trong gia đình, ba mẹ nên đề ra các nội quy một cách nhất quán, những nội quy này được thiết lập dựa vào sự an toàn của trẻ và môi trường xung quanh, cố gắng đi theo chiều hướng tích cực nhất vì dụ:- “nếu con làm đổ nước xuống sàn, con hãy tự lau sạch nhé”- “Mình mang bát để vào bồn rửa sau khi ăn xong nhé’- “Luôn xếp dép vào kệ trước khi vào nhà”- “Sách được đặt trên kệ sau khi đọc xong”- “Nếu con muốn ném, mẹ đồng ý cho con có thể ném bóng ở ngoài sân (thay vì ném đồ chơi trong nhà).
Thiết lập tự do trong giới hạn nghĩa là chúng ta cũng đang thiết lập một mối quan hệ hiền hoà và yêu thương giữa con-người lớn- môi trường. Chúng ta không thể lúc nào cũng theo sát và nhắc nhở rằng “con không được…., không nên…” hiểu đơn giản như, bạn không thể cho con vào bếp nhưng lại cấm con đụng vào tất cả mọi thứ vì lo sợ nguy hiểm. Vậy tại sao không cất hết những đồ đạc không an toàn tránh xa tầm với của con để con được tự do trong bếp cùng bạn. Hoặc bạn có thể làm vách ngăn và không bao giờ cho con xuống bếp. Khi con có xu hướng không tuân thủ giới hạn thì chúng ta phải dừng lại các hành vi không đúng ngay từ đầu.
Nghĩa là ở trong một mức độ nhất định, trẻ luôn được giám sát để đảm bảo rằng con đang đúng hoặc cần nhắc nhở về nội quy. Nếu con vi phạm, hãy nhắc lại và làm mẫu cho trẻ như lần đầu.
Dù sự tự do có được thiết lập trong khuôn khổ chặt chẽ như thế nào đi nữa thì luôn đòi hỏi những nguyên tắc phải có sự nhất quán triệt để. Chúng ta không thể đặt ra tự do rằng, “con được tự do chơi và dọn dẹp sau khi chơi xong” Nhưng nếu con không dọn, ba mẹ lại âm thầm dọn cho rồi. Lúc này chính ba mẹ là người phá vỡ quy tắc mất rồi.
Bài viết của Mota.