LÀM THẾ NÀO KHI CON MUỐN ĐÁNH BẠN?

Hầu hết em bé nào cũng có đánh người khác ít thì một vài lần. Còn có vài em bé thì thường xuyên hơn. Nguyên nhân xảy ra thường là do tranh giành đồ chơi dẫn đến con muốn đánh bạn Điều này là hết sức bình thường và không thể thiếu trong quá trình phát triển của trẻ.

Ba mẹ không nên thuyết giáo con khi con đánh bạn. Việc thuyết giáo không có tác dụng bởi vì trẻ phải tự học cách cư xử đúng mực từ việc thẩm thấu các hành vi của ba mẹ chứ không phải nhờ vào việc lắng nghe các bài thuyết giáo mà trẻ hiểu được.

Nếu con muốn đánh bạn, trước tiên ba mẹ hãy nói, “Không, ba/ mẹ không đồng ý việc các con đánh nhau”. Chờ một chút và tách trẻ ra. Việc can thiệp càng ít và trễ sẽ càng tốt cho trẻ. Nó giúp trẻ nghe bạn hơn. Hãy để trẻ khám phá thông qua hướng dẫn của ba mẹ và dần dần tự ý thức các hành vi của mình trong cuộc sống.

Nếu bạn quan sát trẻ chuẩn bị đánh nhau, bạn hãy giữ tay trẻ lại và nói thật nhẹ nhàng nhưng đầy dứt khoát, “ Ba/ mẹ không cho phép các con đánh nhau đâu/ Bàn tay là để yêu thương/ Mình không làm đau bạn nha” Trẻ có thể kìm hãm được cảm xúc của mình và dần dần hiểu hành vi của chính bản thân trẻ.

Khi con lên 3 tuổi con bắt đầu hiểu về nguyên nhân và kết quả. Lúc này con sẽ biết hậu quả của việc mình làm. Nếu con muốn đánh bạn hoặc làm đau bạn trong lúc chơi hãy nói con nhìn thẳng vào mặt bạn đang bị đau để con thấy hậu quả của hành động mình làm. Ba mẹ hãy nói với một giọng nói vừa phải, đầy cương quyết và mang tính trung lập, không nhấn mạnh vào tội lỗi. “Nhìn bạn A xem, bạn đang khóc vì con đánh bạn đau nè. Tay bạn đang bị đau nè”. Sự nhận thức của con quan trọng hơn lời xin lỗi bị ép buộc hay một hình phạt nào đó.

Đối với trẻ bị đánh, hãy phản ánh lại sự việc kiểu như, “Bạn A làm con đau đúng không? Cô biết tay con đau lắm!”. Cố gắng không tỏ ra thương cảm quá mức khiến trẻ có thói quen gây sự chú ý hoặc tìm lòng thương bằng cách trở thành nạn nhân.

Việc trẻ chơi đùa cùng nhau thường không tránh khỏi những va chạm. Những trẻ có xu hướng làm đau bạn thường là những trẻ có những nỗi sợ riêng trong lòng ( trẻ sợ bị mất đồ chơi, sợ không được chơi món đồ đó…). Thay vì phán xét trẻ làm đau bạn là hư, là không được yêu thương. Hãy giúp trẻ kiểm soát cảm xúc và hành động của mình. Chỉ có hành động không xấu chứ không có một em bé nào xấu. Hãy giữ lại sự lớn tiếng và tức giận trong những tình huống cấp bách. Hãy cho con hiểu rằng, ba mẹ là những người yêu mình vô điều kiện chứ không phải mình ngoan là mới được yêu.

Theo giáo viên Montessori Mota.
Tham khảo tài liệu tại: “Đừng chỉ yêu hãy yêu con đúng cách”

Xem thêm: https://bit.ly/3eCQgti

Xem thêm: https://mota.com.vn/

No products in the cart.