ĐÔI TAY LÀ CÔNG CỤ CỦA TRÍ THÔNG MINH

Trí thông minh và đôi tay có mối liên hệ gì? Tại sao Montessori lại chú trọng tới các hoạt động liên quan tới đôi bàn tay? Cơ sở nào để nói: “Đôi tay là công cụ của trí thông minh”?

Vận động là một cỗ máy phức tạp, mỗi bộ phận đều có ý nghĩa giá trị to lớn. Do đó, việc nghiên cứu sự phát triển cơ chế của sự vận động được coi là rất quan trọng, đặc biệt là nghiên cứu vận động của trẻ em, và vì trẻ em không giấu diếm bất cứ cái gì, mọi mong muốn của trẻ đều được biểu hiện ra ngoài, cho nên chúng ta có thể quan sát rất rõ ràng.
Tất cả các loài vật khác đều phát triển sự vận động đồng thời cả bốn chi, nhưng ở con người thì có đôi tay và đôi chân phát triển theo hai cách khác nhau. Chức năng của đôi chân hoàn toàn khác với chức năng của đôi tay. Đối với đôi chân, sự phát triển của việc đi lại và việc giữ thăng bằng được ấn định ai cũng như ai, nên chúng ta có thể gọi đây là một sự kiện mang tính sinh học. Sau khi ra đời, thì ai cũng biết đi và cũng sẽ làm điều giống hệt như nhau với đôi chân của mình. Chứ năng của đôi chân là dùng để đi lại và giữ thăng bằng, nó mang tính sinh học. Song chúng ta không biết mỗi cá nhân sẽ làm gì với đôi tay của mình. Chức năng của đôi tay không được ấn định sẵn, nên chúng ta không biết được đôi tay có khả năng hoạt động đặc thù gì, hoặc đã có thể hoạt động gì trong quá khứ. Vì thế, khi nghiên cứu các dạng vận động của đôi tay hoặc của đôi chân, ta thấy chúng có một ý nghĩa khác nhau.

Các hoạt động của đôi tay không có sự hướng dẫn sinh học này là bởi vì các hoạt động của đôi tay không được ấn định sẵn, vậy nó liên quan tới cái gì? Nếu không liên quan tới sinh học và sinh lý học, nó ắt có một mối liên hệ mang tính Tâm Lý Học. Do đó, để phát triển thì đôi tay phải phụ thuộc vào trí tuệ, và không chỉ phụ thuộc vào khả năng tâm thần của một bản ngã cá nhân, mà còn vào đời sống trí tuệ ở những giai đoạn khác nhau. Chúng ta thấy sự phát triển của bàn tay có liên quan tới sự phát triển của trí thông minh ở con người và khi nhìn vào lịch sử, nó còn liên quan tới sự phát triển của các nền văn minh. Chúng ta có thể nói, khi con người bắt đầu biết tư duy thì con người tư duy và hành động cùng với đôi tay mình và ngay khi con người xuất hiện trên Trái Đất, con người đã để lại dấu vết của lao động được thực hiện bằng đôi tay. Mỗi nền văn minh lớn trong quá khứ bao giờ cũng có những mẫu vật tiêu biểu của lao động thủ công. Ở Ấn Độ, chúng ta có thể thấy những tác phẩm tinh xảo đến nỗi gần như không thể bắt chước được. Ở Ai Cập cổ đại cũng để lại những dấu vết cuả lao động cực kỳ tinh xảo. Ở nền văn minh có trình độ kém tinh xảo hơn thì những đồ vật làm bằng tay vẫn còn thô sơ hơn.

Sự phát triển của bàn tay vì thế đi song hành cùng với sự phát triển của trí thông minh. Chắc chắn, các loại đồ vật tinh xảo làm bằng tay đòi hỏi phải có sự chú ý và hướng dẫn của trí thông minh thì mới có thể thực hiện được Ở bất cứ đâu có những dấu vết bàn tay con người, chúng ta đều có thể đọc được tinh thần của con người và tư tưởng của thời đại ở trong những dấu vết ấy. Chúng ta có thể thấy rằng đôi bàn tay đã đi theo trí thông minh, tinh thần và xúc cảm, đụng chạm tới tất cả, đôi bàn tay đã để lại cho chúng ta những dấu vết của con người. Ngay cả nếu như chúng ta không chọn quan điểm tâm lý học, chúng ta vẫn thấy rằng mọi thứ thay đổi trong môi trường của con người đều được thực hiện bởi bàn tay con người. Chính nhờ đôi bàn tay đi kèm trí thông minh mà nền văn minh đã được xây dựng nên dần dần, do đó có thể nói rằng bàn tay là cơ quan mang kho báu khổng lồ được ban tặng cho con người.

Vì thế, bàn tay có mối liên hệ với đời sống trí tuệ. Nghiên cứu sự phát triển của trẻ em phải được gắn kết mật thiết với nghiên cứu sự phát triển của đôi bàn tay – là sự thật hé lộ cho thấy sự thôi thúc trí tuệ của trẻ. Với đôi bàn tay, trẻ em sẽ đạt tới một trình độ cao hơn, và đứa trẻ nào đã sử dụng đôi tay của mình sẽ có một tính cách mạnh mẽ hơn. Như thế chúng ta thấy rằng ngay cả sự phát triển tính cách, thứ dường như hoàn toàn thuộc về lĩnh vực tâm lý, lại tiếp tục thô lậu nếu không được thực hành đối với môi trường (nghĩa là thực hành qua đôi bàn tay). Nếu đứa trẻ không thể sử dụng đôi tay mình, thế thì tính cách của đứa trẻ sẽ dừng lại ở một mức độ rất thấp, đứa trẻ không có khả năng vâng lời, không có tính chủ động, lười nhác và buồn bã; trong khi đó, đứa trẻ có điều kiện làm việc bằng đôi bàn tay của mình thì thể hiện một sự phát triển chắc chắn về tính cách.

Trong quá trình phát triển của đứa trẻ, trước hết cần có sự quan sát để biết được môi trường mà nó di chuyển, sau đó nó tự điều hướng trong môi trường đó. Vì thế, cả sự định hướng trong môi trường lẫn sự vận động đều có liên hệ với sự phát triển tâm lý. Đó là lý do tại sao đứa trẻ mới sinh ra lúc đầu lại nằm im, khi nó biết di động tức là làm theo sự hướng dẫn của não bộ thần kinh.
Sự vận động đầu tiên là dùng tay để với hoặc cầm nắm, ngay khi bàn tay với để nắm được một vật thì trong đứa trẻ bắt đầu xuất hiện ý thức về “cái tay này”, tức cái tay đã có thể làm được việc như thế. Thoạt đầu cầm nắm là vô thức, sau đó mới là có ý thức.

Mọi sự phát triển đều được tăng cường bằng luyện tập và mọi sự học hỏi đều được khẳng định bằng luyện tập, cho nên những gì trẻ có thể tự làm thì hãy tạo điều kiện để trẻ tự làm. Một đứa trẻ đến tận 3 tuổi rồi mà vẫn được bế, đó không phải là giúp đỡ cho sự phát triển của trẻ, mà là cản trở. Nếu đứa trẻ đã đi được, hãy để cho nó đi, và khi đứa trẻ muốn sử dụng đôi tay của mình, hãy để cho trẻ được thỏa thích làm việc với đôi bàn tay của mình.

Mời quý phụ huynh và thầy cô tìm hiểu thêm ở: chương 15 Trí thông minh và đôi tay – trang 207 sách Trí tuệ thẩm thấu chính là của tiến sĩ Maria Montessori.

Theo giáo viên Montessori của Mota

Xem thêm: https://bit.ly/3eCQgti

Xem thêm: https://mota.com.vn/

No products in the cart.